bách trượng thanh quy

Phật Quang Đại Từ Điển

(百丈清規) Gồm hai quyển. Còn gọi là Sắc tu bách trượng thanh qui. Thu vào Đại chính tạng tập 48. Nguyên là bản Thanh qui (đời gọi là cổ thanh qui) do Thiền sư Bách trượng Hoài hải (720-814) soạn. Lúc Thiền tông mới hình thành, trong Thiền lâm vẫn chưa có chế độ, nghi thức, cho nên bản thanh qui này mới đặt ra các chế độ pháp đường, tăng đường, phương trượng v.v… lại qui định các chức vụ mà chúng tăng đảm trách là Đông Tự, Liêu Nguyên, Đường Chủ, Hóa Chủ… là những phép tắc tất yếu khi mà Thiền tông Trung Quốc thoát li các chùa Luật để duy trì những sinh hoạt Tăng đoàn độc lập vào khoảng thế kỉ VIII, IX Tây lịch. Nội dung sách này chia làm hai quyển thượng và hạ, gồm có chín chương. Quyển thượng có năm chương là Chúc li, Báo ân. Báo bản, Tôn tổ, và Trú trì. Quyển hạ có bốn chương là Lương tự, Đại chúng, Tiết lạp và Pháp khí. Trong đó, chương Chúc li ghi chép các lễ nghi như: Thánh tiết chúc tán (chúc mừng khen ngợi ngày sinh của vua), Cảnh mệnh nhật chúc tán (chúc mừng khen ngợi ngày vua lên ngôi), Tứ trai nhật chúc tán (chúc mừng khen ngợi vào các ngày 1, 15, 8, 23) và Đán vọng chúc tán (chúc tán vào các ngày 1, 15 mỗi tháng), các nghi lễ trên đây được cử hành tại Tạng điện, rồi mỗi nhật chúc tán (chúc mỗi ngày), Thiên thu tiết chúc tán, Thiện nguyệt chúc tán (chúc tán vào ba tháng ăn chay trường là tháng 1, 5 và 9 âm lịch), để cầu nguyện cho nhà vua sống lâu muôn tuổi, đây là các lễ nghi của giáo đoàn tôn giáo dưới sự Thống chế của quyền lực quốc gia. Chương Tôn tổ ghi chép các điển lễ vào những ngày kị (giỗ) của các tổ sư. Chương Đại chúng thu chép những phương pháp ngồi Thiền, các phép tắc sinh hoạt tu nghiệp trong thiền viện. Và những chi tiết khác được chế định trong Bách trượng thanh qui. Nguyên hình bản thanh qui do ngài Hoài Hải soạn đà thất lạc vào đời Tống, mãi đến niên hiệu Chí Nguyên năm đầu (1335) đời Thuận Đế nhà Nguyên, Đức Huy ở Đông Dương vâng mệnh Thuận Đế lấy các bản Thiền uyển thanh qui của Tông Trách, và Tùng lâm hiệu định thanh qui của Duy Miễn làm mẫu để biên tập lại thành bản thanh qui mới này, do Toàn Ngộ Đại Hân hiệu chính, tức là bản Sắc tu bách trượng thanh qui hai quyển hiện nay.