BÁCH TRƯỢNG PHẬT ĐỒ

Phật Quang Đại Từ Điển

Chỉ tòa tháp Phật cao khoảng một trăm trượng. Cứ theo Bắc sử tây vực truyện chép, thì về phía đông thành của nước Tiểu Nguyệt chi mười dặm, có một tòa tháp Phật, chu vi ba trăm năm mươi bước, cao tám mươi trượng, đây tức là Bách Trượng Phật Đồ. Phật Đồ là tên gọi khác của tháp, phần nhiều được kiến tạo bằng gạch, đá và gỗ, thường là nơi thờ phụng xá lợi của đức Phật. [X Huyền ứng âm nghĩa Q.7]. (xt. Tháp).

BÁCH TRƯỢNG SƠN Núi nằm về phía tây bắc huyện Phụng Tân tỉnh Giang Tây, gần núi Động. Bằng vào nước từ trên chóp núi chảy xuống, có thể cao tới nghìn thước, vì thế gọi là Bách Trượng; do thế núi vượt hẳn các núi khác, cho nên còn gọi là núi Đại Hùng. Niên hiệu Hưng Nguyên năm đầu (784) đời Đường đức tông, Thiền sư Hoài Hải đến núi này cất am Hương Đạo (tức chùa Bách Trượng) mở rộng thiền phong, thời bấy giờ, có các bậc tài trí như Hi Vận ở Hoàng Bá, Linh Hựu ở Qui Sơn và Niết Bàn ở Bách Trượng vân tập về đây, rồi mở mang kiến thiết thêm các nhà pháp, nhà tăng, đồng thời, chiết trung luật điển Đại thừa, Tiểu thừa mà chế định Thiền lâm thanh qui (Bách trượng thanh qui). Từ đó mới có Thiền viện độc lập, hoàn chỉnh; vì trước đó, Thiền tăng phần nhiều ở trong các chùa Luật tông. Năm Nguyên Hòa thứ 9 (814) đời Hiến Tông, ngài Hoài Hải nhập tịch, môn nhân là Niết bàn thừa kế chức trú trì.

Không bao lâu, vâng sắc lệnh của Đường Tuyên Tông, sư Niết Bàn xây dựng chùa Đại Trí Thánh Thiền, trở thành đạo tràng của Thiền tông. Từ đời Tống trở về sau, các Thiền tăng ưu tú xuất hiện đông đảo, như: Minh Chiếu An, Siêu, Đạo Hằng, Bảo Nguyệt, Nguyệt, Duy chính, Nguyên túc, Duy cổ và Tịnh ngộ v.v… nối nhau trú trì. Niên hiệu Chí Thuận năm đầu (1330) đời Nguyên Văn Tông, Đức Huy ở Đông Dương, trùng tu nhà Pháp, trên nhà đặt gác Thiên Hạ Sư Biểu (bậc thầy trong thiên hạ) để thờ tượng của sư Hoài Hải. Niên hiệu Chí Nguyên năm đầu (1335) đời Thuận Đế, Bách trượng thanh qui được biên tập lại và ban hành khắp các Thiền lâm trong toàn quốc, nhờ thanh qui đó mà núi Bách trượng lừng danh ở đời.

Năm Chính Thống thứ 7 (1442) đời Minh Anh Tông, sa môn Trung Trí biên lại thanh qui. Khoảng năm Sùng Trinh (1628-1644), Thụy Bạch Minh tuyết trú trì, soạn một thiên Tịch Ngữ, một thiên Tịch Vọng Thuyết, bác bỏ thuyết Thông dung của Phí ẩn. Khoảng năm Thuận Trị (1644-1661) đời Thế Tổ nhà Thanh, Lâm Đạo Bái đến đây hoằng pháp. Những cổ tích hiện còn đến nay, có bia thiền sư Niết Bàn, mả người gỗ, mả chó vàng, núi cáo đồng, đá đại nghĩa và bốn chữ Thiên hạ sư biểu do Liễu Công Quyền viết trên một bia đá lớn. [X. Tống cao tăng truyện Q.10; Cảnh đức truyền đăng lục Q.6, Q.9, Q.20, Q.25; Thích môn chính thống Q.3; Ngũ đăng hội nguyên tục lược Q.2; Đại Minh nhất thống chí Q.49; Cổ kim đồ thư tập thành sơn xuyên điển thứ 136]. (xt. Bách Trượng Thanh Qui).