BÁCH TRƯỢNG ĐỘC TỌA ĐẠI HÙNG PHONG

Phật Quang Đại Từ Điển

Tên công án trong Thiền tông. Là công án mà thiền sư Hoài Hải ở núi Bách Trượng đời Đường mượn việc ngồi một mình trên ngọn Đại Hùng để tỏ bày cái yếu chỉ của tông môn. Còn gọi là Bách Trượng độc tọa, Bách Trượng Đại Hùng Phong, Bách Trượng Kì Đặc Sự. Ngũ đăng hội nguyên quyển 3 (Vạn tục 138, 44 hạ) nói: Tăng hỏi: việc kì đặc là thế nào? Sư đáp: Ngồi một mình trên ngọn Đại hùng! Vị tăng lễ lạy, sư liền đánh. Độc tọa, có ý là đứng một mình trong vũ trụ, cho đến trên trời dưới trời, chỉ có ta độc tôn. Đại hùng phong, là tên gọi khác của núi Bách Trượng ở Giang Tây.

Vì ngài Hoài Hải đến núi này để hoằng dương Thiền Phong nên đời gọi là Bách Trượng Hoài Hải. Độc tọa đại hùng phong, đại khái có nghĩa là ngài Bách Trượng đã nhiều năm ngồi thiền trên ngọn núi Đại Hùng, đã là sự tu hành tối thượng, đứng một mình trong vũ trụ, nhưng cũng lại là một việc bình thường, chẳng có gì kì lạ, phàm sự sinh hoạt của Thiền giả, như đi đứng ngồi nằm nói im động tĩnh, đều là thiền lí thiền hành cả. Vì thế Bách Trượng đặc biệt lấy câu Ngồi một mình trên ngọn Đại Hùng để trả lời câu hỏi Việc kì đặc là thế nào, là pháp cơ linh hoạt, thu vào phóng ra một cách tự như tự tại, quét sạch mọi dấu vết.

Vị tăng nghe xong, sụp lạy, là biểu thị việc khéo dùng cơ đầu cơ, lấy ý khiển ý, toàn nhiên lãnh hội cơ pháp của Bách Trượng, cho nên ngài Phật quả Viên Ngộ đã khen (Đại 48, 167) rằng: Vị tăng này lễ lạy khác với tăng tầm thường, phải có con mắt toàn triệt mới được. (…) Vị tăng này lễ lạy cũng giống như vuốt râu hùm (cọp), chỉ giành chỗ xoay mình. Tuy nhiên, lại bị cái đánh của Bách Trượng, là vì Bách Trượng biết vị tăng ấy đã lãnh hội rồi, nhưng vẫn lễ lạy để muốn cầu một việc cao hơn nữa, nên dùng cây gậy để cảnh giác rằng, ngoài việc lãnh hội ra, còn phải gắng sức tu hành thực tiễn nữa.