BÁCH TRƯỢNG DÃ HỒ

Phật Quang Đại Từ Điển

Tên công án trong Thiền tông. Là cơ duyên đối thoại giữa con cáo đồng và thiền sư Hoài Hải ở núi Bách Trượng. Công án này nêu lên lí nhân quả rõ ràng. Còn gọi là Bất lạc bất muội, Ngũ bách sinh dã hồ, Bách trượng bất muội nhân quả, Bách Trượng dã hồ đọa thoát. Thung dung lục Tắc 8 (đại 48, 231 hạ), nói: Bách Trượng lên nhà giảng, thường có một ông già đến nghe pháp, nghe xong, theo mọi người giải tán. Một hôm, ông già không đi, Bách Trượng bèn hỏi: Ai đứng đó?.

Người già đáp: Vào thời đức Phật Ca Diếp xưa kia, tôi đã từng ở núi này. Có một người đến học đã hỏi: Bậc đại tu hành có còn rơi vào nhân quả nữa không? Tôi trả lời: Không rơi vào nhân quả. Cũng vì câu nói ấy mà tôi đã phải đọa làm thân cáo đồng năm trăm kiếp rồi.

Nay xin Hòa thượng thay cho một chuyển ngữ. Bách Trượng nói: Không mờ tối nhân quả. Ngay sau câu nói đó, người già đại ngộ. Trong công án này, người già xưa kia nói: Không rơi vào nhân quả là bác không có nhân quả, tức là phủ nhận lí nhân quả; và do phủ nhận lí nhân quả, cho nên phải đọa vào ác thú. Không mờ tối nhân quả là khẳng định nhân quả, khác với không rơi vào nhân quả, vì khẳng định nhân quả, cho nên thoát li ác thú. Đứng về phương diện giáo thuyết cơ bản của Phật giáo mà nói, thì tin sâu nhân quả là Phật pháp chính truyền, là một loại pháp tắc rất tự nhiên.

Vì thế, người ta không thể phân biệt càn bậy, ức đoán, phủ định, nếu tin sâu lí pháp nhân quả tự nhiên ấy rồi theo đó mà tu hành, thì nó sẽ là con đường đưa đến thành Phật. Cho nên, trong tắc công án này, người già nhờ ngài Bách Trượng thay cho chuyển ngữ không mờ tối nhân quả mà phút chốc tiêu sạch cái mê mộng độc đoán ở quá khứ, rồi ngay ở câu nói đó mà đại ngộ, vứt bỏ được thân cáo đồng. Xưa nay, trong Thiền gia phần nhiều gọi những kẻ bác không có nhân quả mà lại tự cho mình là người thấu suốt nhân quả là dã hồ thiền (thiền cáo đồng) chính đã từ điển cố này. [X. Liên đăng hội yếu Q.4; Ngũ đăng hội nguyên Q.3; Thiền tông vô môn quan Tắc 2].