BẠCH THỬ DỤ

Phật Quang Đại Từ Điển

Còn gọi là Nhị thử khiết đằng dụ (hai con chuột nhấm giây cây leo). Thất dụ. Hoặc nói tắt là Bạch hắc nhị thử. Thử, tiếng Phạm làmùwika. Dùng hai con chuột trắng, đen để thí dụ tháng trắng, tháng đen trong một tháng, hoặc thí dụ ngày, đêm trong một ngày. Hàm ý bảo rằng đời người như ánh sáng qua mau. Tháng trắng tức khoảng thời gian từ ngày mồng 1 trăng mới đến ngày trăng tròn 15; tháng đen từ ngày 16 sau trăng tròn đến ngày 30 trước trăng mới. Lại nhật (mặt trời) chỉ ngày, nguyệt (mặt trăng) chỉ đêm. Vì thế, chuột trắng thí dụ tháng trắng và ngày, chuột đen thí dụ tháng đen và đêm.

Cứ theo kinh Tân đầu lư đột la xà vị Ưu đà diên vương thuyết pháp chép, thì thủa xưa có một người đang đi trên đường vắng, giữa đồng không mông quạnh, chợt gặp một con voi lớn rất dữ tợn, bị voi đuổi, bèn sợ hãi tháo chạy, mà không nơi trú ẩn. Đang lúc khốn cùng, người ấy thấy một cái giếng bên gò đất và có rễ cây thòng xuống giếng, anh ta bèn bám lấy rễ cây chuyền xuống giếng để trốn tránh. Lúc đó, có hai con chuột trắng và đen đang nhấm rễ cây; bốn bên bờ giếng có bốn con rắn độc, muốn mổ anh ta, và dưới đáy giếng lại có một con rồng độc. Anh ta đã sợ bốn con rắn ở bờ giếng, lại cũng sợ con rồng độc dưới đáy giếng, mà cái rễ cây anh ta bám lấy lại đang rung rung.

Cùng lúc ấy có ba giọt mật rơi vào miệng anh. Vì anh ta bám rễ cây làm cho cành cây rung động mà vỡ tổ ong, đàn ong bay ra tán loạn, cứ nhằm anh ta mà đốt, hơn nữa, cây lại đang bị lửa đồng đốt cháy. (Đại 32, 787 trung): Đồng không mông quạnh, thí dụ sống chết; người đàn ông kia, thí dụ phàm phu; voi dụ vô thường, gò giếng dụ thân người, rễ cây dụ mệnh sống. Chuột trắng đen dụ ngày đêm; nhấm rễ cây dụ niệm niệm diệt, bốn rắn độc dụ bốn đại, mật dụ ngũ dục, đàn ong dụ ác giác quán, lửa cháy cây dụ sự già, rồng độc dưới đáy giếng dụ sự chết. Lại kinh Duy Ma quyển thượng phẩm Phương tiện, Phiên dịch danh nghĩa tập quyển 5, kinh Thí dụ do ngài Nghĩa tịnh dịch… đều có chép thí dụ trên đây. Trong truyện cổ thí dụ này, cũng có chỗ lấy hổ (cọp) thay cho voi, gọi là hổ vô thường. [X. Tính linh tập Q.4; Thái bình kí]. (xt. Bạch Nguyệt, Hắc Nguyệt).