bạch thân quán tự tại bồ tát

Phật Quang Đại Từ Điển

(白身觀自在菩薩) Phạm: Zveta-bhagavatì. Dịch âm là Thi phệ đa ba nga phạ để. Còn gọi là Thấp phệ đa Bồ tát, Bạch thân Bồ tát, Ma ha thấp phế đa Bồ tát, Thấp phế đa bạch thân Bồ tát, Đại bạch Bồ tát, Bạch thân Quan âm, Bạch tôn giả, Bạch Quán tự tại Bồ tát. Bạch, nghĩa là bạch tịnh đại bi; thân, có nghĩa tụ tập. Vì thế, bạch thân tức là ý tập hợp bạch tịnh đại bi. Là vị thứ hai được bày ở phương trên hàng thứ ba trong viện Quan Âm thuộc Thai tạng giới mạn đồ la của Mật giáo. Mật hiệu là Phổ hóa kim cương. Chủng tử là (sa). Hình Tam muội da là hoa sen chớm nở. Hình tượng toàn thân mầu vàng lợt, tay trái cầm hoa sen, tay phải duỗi năm ngón hướng bàn tay vào vai, co cánh tay đặt trên đầu gối bên phải, đầu gối bên phải hơi dựng lên, ngồi trên hoa sen màu đỏ. Về ý nghĩa bao hàm trong hình tượng của vị Tôn này, thì thân hình màu vàng lợt, tay trái cầm hoa sen, là biểu thị cái đức xưa nay vốn thanh tịnh; nhờ tu hành thành tựu nên hiển bày trí Phật; tay phải đặt trên đầu gối, biểu thị sự giáo hóa khắp chúng sinh. Ấn khế của vị Tôn này là ấn hợp chưởng phổ thông của bộ Liên hoa. Lại kinh Bất không quyên sách thần biến chân ngôn quyển 4 nói có ấn Đại bạch Quan thế âm, trong quyển 23 lại chép có năm thứ ấn của vị Tôn này. Cứ theo kinh Bất không quyên sách thần biến chân ngôn quyển 4 chép, thì Chân ngôn của vị Tôn này là: Án (Oô) ma ha (mahà, đại) bát đầu mê (padme, hoa sen) thấp phế đang nghê (zvetàíge, mình trắng) hổ rô hổ rô (huru huru, che che) sa phạ ha (svàhà). Ngoài ra, trong các kinh quĩ thường đem vị Tôn này hợp làm một với Bạch y Quan âm làm một Tôn. [X. kinh Bất không quyên sách thần biến chân ngôn Q.9, Q.15, Q.30; A sa phọc sao Q.94; Thai tạng hiện đồ mạn đồ la]. (xt. Bạch Y Quan Âm).