BẠCH TẢN CÁI PHẬT ĐỈNH

Phật Quang Đại Từ Điển

Phạm:Sitàtapatrowịìwa, Sitàtapatra. Dịch âm là Tất đát đa bát đát la. Dịch ý là Bạch tản cái (cái lọng trắng). Lọng trắng (tàn trắng), có nghĩa là đem cái đức trong sạch của Phật mà che cho tất cả. Còn gọi là Bạch tản Phật đính, Bạch tán cái Phật đính luân vương, Bạch tản cái đính luân vương Bồ tát. Là một trong năm Phật đính, cũng là một trong tám Phật đính. Là vị thứ nhất được bày ở bên phải, hàng dưới, trong viện Thích ca thuộc Thai tạng giới mạn đồ la của Mật giáo.

Là quyến thuộc của đức Thích ca, đem cái lọng từ bi trắng sạch mà che chở cho chúng sinh làm bản thệ. Mật hiệu là Dị tướng Kim cương. Chủng tử là (laô), biểu thị cái ý dùng ánh sáng trí tuệ vô tướng bất khả đắc mà che cho pháp giới chúng sinh. Hình Tam muội da là cái lọng trắng trên hoa sen, hoặc gọi là cái lọng. Hình tượng mầu vàng, tay trái cầm bông sen, trên bông sen có cái lọng, cánh tay phải gấp lại, năm ngón tay co lại, ngón tay cái, ngón tay trỏ chập vào nhau, ngồi xếp bằng trên tòa sen màu đỏ.

Cũng có hình tượng tay cầm lọng trắng, phóng ra ánh sáng trắng, ngồi trên hoa sen trắng lớn, hoặc năm ngón tay mở ra, đầu ngón cái và ngón vô danh chạm nhau làm thành hình cái vòng, các kinh chép đều khác nhau. Về chân ngôn của vị Tôn này, các kinh quĩ nói cũng không giống nhau. Cứ theo Tứ bộ nghi quĩ chép là: Qui mệnh lam (laô, chủng tử) tất đát đa bát dát la (sitàtapatra, bạch tản cái) ô sắt ni sái (uwịìwa, Phật đỉnh) sa phạ hạ (svàhà).

Về ấn khế của vị Tôn này, các kinh quĩ cũng chép khác nhau, vì đều mang hình trạng cái lọng, loại ấn khế này được gọi là Tản cái ấn. Cứ theo kinh Đại Nhật phẩm Mật ấn và Tứ bộ nghi quĩ chép, thì bàn tay trái duỗi thẳng và úp xuống, tay phải nắm lại, một ngón tay trỏ giơ lên chống vào giữa lòng bàn tay trái, thành hình cái lọng; trong đó, năm ngón tay trái biểu thị năm đại của chúng sinh, ngón trỏ của tay phải biểu thị trí của Phật giới, ý tức là dùng cái lọng Sinh Phật bất nhị (Chúng sinh và Phật chẳng phải là hai) mà che chở cho chúng sinh. [X. kinh Nhất tự Phật đính luân vương Q.3; Đại nhật kinh sớ Q.5; Đại nhật kinh nghĩa thích Q.7]. (xt. Bát Phật Đỉnh, Ngũ Phật Đính).