BẠCH PHẤT

Phật Quang Đại Từ Điển

Nói theo nghĩa rộng, là chỉ tất cả chổi phất trần làm bằng lông thú màu trắng; còn nói theo nghĩa hẹp thì chỉ cái chổi phất trần làm bằng lông đuôi của con mao ngưu (một loài bò đuôi rất dài), còn gọi là Mao ngưu phất, Bạch mao phất. Bạch mao ngưu (Phạm:càmara, hoặc camara) là loài bò lông dài, sống ở núi Hỉ mã lạp nhã, phất trần làm bằng lông đuôi của loài bò này là quí nhất trong các loại phất trần, thông thường cùng với bạch mã vĩ phất (phất trần làm bằng lông đuôi ngựa trắng) đều gọi là Bạch phất. Phất trần, nguyên là một dụng cụ mà ngưòi Ấn độ dùng để xua đuổi mòng muỗi.

Cứ theo luật Ma ha tăng kì quyển 32, Hữu bộ tì nại da tạp sự quyển 6 chép, thì đức Phật đã cho phép các tỉ khưu dùng loại phất trần thông thường, và cấm chỉ dùng các loại phất hoa mĩ trân quí như loại bạch mao phất chẳng hạn. Ngoài ra, trong các kinh luận thường có chép các Bồ tát hoặc trưởng giả tay cầm bạch phất, như kinh Đà la ni tập quyển 6 có chép, tay trái Quan Âm, tay phải Phổ Hiền cầm bạch phất; trong số bốn mươi tay của Thiên thủ Quan Âm, có một Bạch phất thủ (tay cầm bạch phất). Lại khi đức Phật lên cung trời Đao Lợi nói pháp cho mẫu hậu nghe xong, trở về, Phạm thiên thường cầm bạch phất đứng hầu bên phải đức Phật.

Mật giáo thì khi truyền pháp quán đỉnh trong đàn nhỏ, bạch phất cùng với bảo phiến (quạt báu) đều là pháp cụ quét sạch những phiền não, trừ hết chướng nạn. Trong Thiền tông Trung Quốc, trú trì và người đại diện trú trì, tay cầm phất tử lên nhà giảng nói pháp cho đại chúng, đó tức là cái được mệnh danh là Bỉnh phất. Tại Nhật Bản, ngoài Chân tông ra, các tông khác cũng dùng phất tử làm một trong các vật trang nghiêm. (xt. Phất Tử).