BẠCH NHỊ YẾT MA

Phật Quang Đại Từ Điển

Phạm: Jĩaptidvitiyà-karmavacanà. Còn gọi là Bạch nhất yết ma, Bạch nhị pháp. Là một trong ba pháp (pháp đơn bạch, pháp bạch nhị, pháp bạch tứ) của chúng tăng. Bạch (Phạm: jĩapti) tức là cáo bạch, là công bố cho mọi người biết. Yết ma (Phạm: karma) dịch ý là nghiệp, làm việc, thủ tục làm việc. Ở trong chùa, khi làm việc, tùy theo công việc, phải triệu tập chúng tăng trong chùa họp bàn để quyết định, lịch trình quyết định là một bạch yết ma. Như khi tiến hành nghi thức thụ giới, thì trên đàn giới, thầy yết ma đối trước chúng tăng, đọc văn biểu bạch một lần, trình bày lý do của việc thụ giới, kế đó, lấy một yết ma (một lần trình bày để trưng cầu ý kiến xem chúng tăng có tán đồng hay không) xét xem việc đó có được không, nếu không có ai phản đối thì công việc được thành. Vì đây là một lần trình bày, một lần quyết nghị, nên gọi là Bạch nhất yết ma; gộp cả lại thì gọi là Bạch nhị yết ma. Bạch nhất và Bạch nhị là ý tương đồng, chứ không phải chỉ cho hai thứ thủ tục khác nhau. Lại cứ theo luật Tứ phần chép, thì Bạch nhị yết ma có năm mươi bảy thứ, gồm có lìa áo, ngày nhận v.v…, nhưng luật Thập tụng thì chỉ liệt kê có bốn mươi bảy thứ. [X. Tứ phần luật san bổ tùy cơ yết ma sớ Q.thượng; Tứ phần luật hành sự sao tư trì kí Q.thượng Chương 1 đoạn 5]. (xt. Bạch Tứ Yết Ma, Yết Ma).