bách nhất vật

Phật Quang Đại Từ Điển

(百一物) Chỉ những vật cần thiết của chúng tăng. Còn gọi là Bách nhất chúng cụ, Bách nhất cung thân. Tức là ngoài ba tấm áo một chiếc bát ra, các loại đồ dùng cần thiết của tỉ khưu sử dụng hàng ngày, đều chỉ được giữ mỗi thứ một cái mà thôi. Cứ theo Tứ phần luật sớ sức tông nghĩa kí quyển 5 phần đầu, Thích thị yếu lãm quyển trung chép, thì chữ trăm (bách) ở đây tuyệt chẳng phải là con số một trăm thực sự, mà chỉ là phiếm chỉ con số của các vật dụng thôi. Cứ theo Tát bà đa tì ni tì bà sa quyển 5 chép, thì trăm lẻ một vật là các vật đều được giữ một cái, ngoài trăm lẻ một ra là thuộc về trướng vật . Vì thế, các vật thừa, vượt quá số lượng qui định, gọi là trướng vật. Chẳng hạn như cất giữ nhiều áo ngoài ba tấm áo, hoặc cất giữ nhiều bát ngoài một cái bát, tức là trướng vật. Luật Ngũ phần quyển 20, liệt kê các loại trăm một vật được phép cất giữ, như: ba tấm áo, áo lót mình, áo ngủ, áo mưa, áo che bệnh ngoài da, màn muỗi (để ngồi Thiền), đồ trải chỗ đi kinh hành; vải chắn côn trùng (như con tờ vờ trong tường vách bay ra), vải trải đơn, vải che bụng chân (bọng chân), khăn lau mình, túi đựng kim chỉ, túi lọc nước v.v… Ngoài ra, Thiện kiến luật tì bà sa quyển 4, cũng liệt kê Ni sư đàn (tọa cụ), phu cụ (ca sa), khăn lau tay, áo chu la, áo ba lợi ca la v.v… Cứ theo Tứ phần luật san phồn bổ khuyết hành sự sao quyển hạ phần 1 chép, thì thời giáo một đời của đức Phật được phán định làm hai giáo môn là Chế (cấm) và Thính (cho phép), và lấy hai môn này mà phân biệt những vật Tỉ khưu được phép cất giữ là: ba tấm áo và sáu vật khác: đó là những vật do đức Phật chế định, cho nên thuộc về Chế môn; còn trăm một vật và các trướng vật khác là vì phương tiện cho cất giữ, nên thuộc Thính môn. Lại cứ theo Tứ phần luật hàm chú giới bản sớ quyển 3 phần trên chép, thì đức Phật đã vì căn cơ và quả báo của các tỉ khưu đều bất đồng, nên phương tiện châm chước mà cho phép cất giữ những vật dụng khác nhau. Nếu là Tỉ khưu thượng phẩm, thì chỉ cho phép có một áo hoặc ba áo; nếu là trung phẩm thì cho phép có trăm một vật; nếu là hạ phẩm thì cho phép có trướng vật cho đến các thứ báu, duy người có trướng vật thì trước phải làm phép thuyết tịnh mới được nhận giữ. [X. Tát bà đa tì ni tì bà sa Q.4, Q.6; Tứ phần luật khai tông kí Q.3 phần cuối; Tứ phần luật hành sự sao tư trì kí Q.hạ phần 1; Nam hải kí qui nội pháp truyện Q.2]. (xt. Chế Thính Nhị Giáo, Trướng Vật).