BÁCH NẠP Y

Phật Quang Đại Từ Điển

Chỉ áo vá, tức áo của nhà tu hành. Do chắp vá những mảnh vải cũ rách khâu lại mà thành. Còn gọi là Tệ nạp y, Đàn nạp y. Vì hay dùng năm mau hoặc nhiều màu sắc lẫn lộn may thành, nên cũng gọi là Ngũ nạp y. Vì tăng lữ mặc áo vá, nên thường tự xưng là Nạp tăng, Lão nạp, Bá tăng, Dã tăng, Chuyết nạp v.v…Cứ theo Thích thị yếu lãm quyển thượng chép, thì nguồn gốc áo vá có năm thứ:

  1. Áo có người cho (thí chủ).
  2. Áo không người cho.
  3. Áo bọc người chết.
  4. Áo người chết.
  5. Áo phẩn tảo (Phạm:Pàôsu-kùla).

Áo phẩn tảo, chỉ những mảnh vải rách, vụn người ta đã bỏ đi, có thể chia làm:

  1. Áo vứt trên đường đi.
  2. Áo ở nơi bẩn thỉu.
  3. Áo bỏ ở bên bờ sông.
  4. Áo đã bị mối ăn.
  5. Áo rách nát.

Nhưng, sau khi Phật giáo đã thịnh hành thì y phục của tăng, ni không còn như thế nữa.Nguyên ngữ tiếng Phạm về áo vá, thì trong kinh Thập nhị đầu đà, luật Thập tụng quyển 39, Tuệ lâm âm nghĩa quyển 11, đều cho áo vá (nạp y) là tên gọi khác của áo phẩn tảo; kinh Pháp hoa quyển 4 phẩm Khuyến trì thì bảo áo vá, tiếng Phạm là Kanthà, còn luật Tứ phần quyển 43 Ka hi na y kiền độ, luật Ma ha tăng kì quyển 8, luận Giải thoát đạo quyển 2 phần Đầu đà, Đại thừa nghĩa chương quyển 15 Đầu đà nghĩa lưỡng môn phân biệt điều v.v…, đều cho là áo vá và áo phẩn tảo có khác nhau. Vì thế, áo vá và áo phẩn tảo có thể là chỉ cùng một vật, nhưng, đứng về mặt tài liệu mà nói, thì gọi là áo phẩn tảo, còn đứng về mặt cắt may mà nói thì gọi là áo vá. [X. luật Thập tụng Q.4, Q.36, Q.37; luật Tứ phần Q.41 Y kiền độ; Tứ phần luật san phồn bổ khuyết hành sự sao Q.hạ phần 1; Đại tống tăng sử lược Q.thượng; Tổ đình sự uyển Q.3].