bạch mã tự

Phật Quang Đại Từ Điển

(白馬寺) I. Chùa Bạch Mã. Vị trí chùa nằm về phía Đông huyện Lạc Dương tỉnh Hà Nam (phía tây thành Lạc Dương cũ). Được kiến tạo vào thời Minh Đế nhà Đông Hán, có thuyết nói xây dựng vào năm Vĩnh bình thứ 18 (75) thời Minh Đế. Tương truyền là ngôi chùa cổ nhất tại Trung Quốc. Vì có hai vị tăng người Thiên Trúc (Ấn Độ) là Nhiếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan, cỡi ngựa trắng mang kinh điển từ Tây Vực đến Trung Quốc, có thuyết bảo hai vị đến TRUNG quốc vào năm Vĩnh bình thứ 10 (67) nên vua Minh Đế hạ lệnh kiến tạo Tinh xá ở ngoài cửa Tây Ung (cửa Tây Dương) của thành Lạc Dương gọi là chùa Bạch Mã để hai vị ở. Lạc Dương già lam kí quyển 4 (Đại 51, 1014 trung), nói: Chùa Bạch Mã do Minh Đế nhà Hán xây dựng, lần đầu tiên Phật đến Trung Quốc; chùa nằm ngoài cửa Tây Dương cách ba dặm, phía Nam Ngự đạo (đường đắp để vua đi chơi). Vua mộng thấy thần vàng, cao trượng sáu, đằng sau gáy và lưng sáng chói như mặt trời mặt trăng; thần vàng, hiệu là Phật. Nhà vua sai sứ sang Tây Vực tìm cầu, bèn được kinh và tượng. Lúc ấy ngựa trắng chở kinh đến, nhân thế đặt tên là chùa Bạch Mã. Minh Đế băng, trên lăng dựng kì hoàn; từ đó về sau trăm họ có người làm phù đồ (tháp) ở trên mộ. Hòm kinh để trên chùa, đến nay vẫn còn, thường thắp hương cúng dường. Hòm kinh đôi khi phóng ra ánh sáng, chiếu khắp điện đường, thấy thế, đạo tục lễ kinh, như chiêm ngưỡng chân dung. Cứ theo Lương cao tăng truyện quyển 1 chép, tương truyền nước Thiên Trúc có ngôi chùa tên là Chiêu Đề. Nhà vua thường phá hủy các chùa, duy chùa Chiêu Đề chưa kịp phá, sau vì có con ngựa trắng ban đêm chạy quanh chùa tháp kêu thảm thiết, nhà vua bèn không phá nữa và đổi tên chùa là Bạch Mã. Cho nên có thuyết nói vua Minh Đế nhà Đông Hán, khi làm chùa Phật đầu tiên tại phía Tây thành Lạc Dương, nhân theo điển tích trên đây mà gọi là chùa Bạch Mã. Tương truyền kiểu chùa bắt chước Tịnh xá Kì Viên ở Ấn Độ, trong chùa có tháp, trên điện có các bức bích họa, Nhiếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan từng ở đây dịch kinh Bốn mươi hai chương, là kinh được dịch sớm nhất trong các kinh điển Phật dịch ra chữ Hán. Hai bên cổng chùa có mộ của hai vị Nhiếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan. Lại phía Đông Nam chùa này, có một chùa tháp, gọi là Đông Bạch mã tự, một tên nữa là Tề Vân tự (có thuyết nói là Trai Vân tự) do Đường Trang tông (ở ngôi 923 – 925) tạo dựng, kiểu tháp là tháp chín tầng bằng gỗ, sau bị nạn binh lửa Tĩnh khang đời Tống phá hủy, đến năm Đại định thứ 15 (1175) pháp sư Ngạn Công dựng lại, năm Gia khánh thứ 3 (1798) đời Thanh, pháp sư Viên Lãng lại tu bổ, hiện còn đến nay là tòa tháp gạch mười ba tầng. Niên đại chùa Bạch Mã quá lâu xa, vả lại thường bị nạn binh lửa, cho nên, vào khoảng các năm Thùy củng đời Đường, Thuần hóa đời Tống, Chí thuận đời Nguyên, Hồng vũ đời Minh đã lần lượt khôi phục. Vào cuối đời Đường và thời Ngũ đại, các sư Thiền tông hoằng hóa tại đây. Thời Kim mạt thì là nơi hoằng hóa của các sư tông Hoa Nghiêm, giảng đạo rất thịnh, qua các đời, pháp duyên đều không suy. Các ngài Khang Tăng Khải, Đàm Đế, Bạch Diên thời Tào Ngụỵ, Trúc Pháp Hộ thời Tây Tấn, Đàm Ma Lưu Chi, Phật Đà Phiến Đa đời Bắc Ngụỵ, Phật Đà Đa La đời Đường v.v… các vị cao tăng trên đây đều đã từng dịch kinh ở chùa này. Vua Chân Tông nhà Tống cũng đã từng đến đây và lễ bái di tích cũ của Nhiếp Ma Đằng. Có thể nói, từ thời Bắc Ngụỵ trở đi, chùa Bạch Mã đã là trung tâm Phật giáo của Bắc triều. Năm Dân quốc thứ 17 (1928) chùa bị quân phiệt Phùng ngọc tường phá hủy. Năm Dân quốc 20, nhà hộ pháp Đái Quế Đào và Đỗ Nguyệt sanh ở Thượng Hải đứng ra xây dựng lại. [X. Phật tổ thống kỉ Q.53; Hoằng minh tập Q.1; Độc sử phương dư kỉ yếu (Hà nam phủ, Lạc Dương huyện); Đại Minh nhất thống chí Q.29; Đại Thanh nhất thống chí Q.163]. II. Chùa Bạch Mã. Vị trí chùa nằm ở huyện Tây An tỉnh Thiểm Tây. Do Mẫn Đế (ở ngôi 313 – 316) nhà Tây Tấn kiến thiết. Đời đời đều là đạo tràng giảng học, đến đời Tùy thì bỏ hẳn. [X. Lịch đại Tam bảo kỉ Q.4]. III. Chùa Bạch Mã. Vị trí chùa ở Nam kinh tỉnh Giang Tô. Được sáng lập vào năm Thái hưng thứ 2 (319) đời Nguyên Đế nhà Đông Tấn. Pháp Bình, Tăng Nhiêu, Đàm Bằng đời Lưu Tống Nam triều và Tăng Mân đời Lương đều đã từng hoằng pháp tại đây. Cảnh Thiều, Trí nghiêm, Trí Thông đời Trần đều cũng đã ở chùa này. IV. Chùa Bạch Mã. Vị trí chùa ở huyện An Dương tỉnh Hà Nam. Do Phật đồ trừng thời Hậu Triệu kiến tạo, lúc đầu là tháp bằng gỗ. Cuối năm Vũ bình (570 – 575) đời Bắc Tề vua xuống lệnh trùng tu, tương truyền đào được ba viên xá lợi ở dưới đất. V. Chùa Bạch Mã. Vị trí chùa ở huyện Giang Lăng tỉnh Hồ Bắc. Cứ theo truyền thuyết, thì đầu đời Tấn, An Thế Cao, nhân đi hóa độ, qua một ngôi miếu thờ thần ở ấp Cung mà được của cải, bèn kiến thiết chùa này ở góc Đông Nam kinh thành. Không bao lâu, Đạo An từ Tương Dương đến đây, bảo chùa quá chật hẹp, cho nên lại sang lập chùa Đàn Khê. Theo truyền thuyết sa môn Huyền Trang đời Đường cũng đã từng ở chùa này. [X. Kinh châu kí (Sưu trọng ung)].