BÁCH LUẬN

Phật Quang Đại Từ Điển

Tiếng Phạm: Zatazàstra. Gồm hai quyển. Do ngài Đề Bà (Phạm: Àryadeva, Thánh Thiên), người Ấn Độ, trứ tác vào khoảng thế kỉ III Tây lịch, Bà tẩu khai sĩ chú thích, Cưu Ma La Thập (Phạm: Kumàrajìva) dịch vào năm Hoằng Thủy thứ 6 (404).

Thu vào Đại chính tạng tập 13. Nội dung luận này thừa kế thuyết trong Trung luận của ngài Long Thụ, dùng nghĩa lí Không, Vô ngã của Phật giáo Đại thừa để luận phá những kiến chấp của các phái ngoại đạo Số luận, Thắng luận, như phái Thắng luận cho các pháp là một mà cũng là khác, phái Số luận thì bảo nhân quả là một và trong nhân có quả. Toàn bộ luận bao gồm:

  1. Xả tội phúc phẩm.
  2. Phá thần phẩm.
  3. Phá nhất phẩm.
  4. Phá dị phẩm.
  5. Phá tình phẩm.
  6. Phá trần phẩm.
  7. Phá nhân trung hữu quả phẩm.
  8. Phá nhân trung vô quả phẩm.
  9. Phá thường phẩm.
  10. Phá không phẩm.

Tất cả có mười phẩm. Ở đầu các phẩm đều có năm bài kệ, sau mỗi bài kệ, có đoạn văn xuôi ngắn của Đề Bà phụ thêm, và tiếp theo đó là văn chú thích của Bà Tẩu Khai Sĩ. Cứ theo Tăng Triệu nói trong bài tựa Bách luận, thì bản Hán dịch chỉ mới dịch được mười phẩm trước của nguyên tác, còn mười phẩm sau thì chưa dịch, nhan đề Bách luận là vì mỗi phẩm có năm bài kệ, hai mươi phẩm thành là trăm kệ.

Tuy nhiên, bản Hán dịch chưa nêu rõ cn số bài kệ, và nguyên bản tiếng Phạm và bản dịch Tây Tạng đều không truyền, vì thế không rõ sự cấu thành của nguyên bản ra sao. Vả lại, Đề Bà còn là tác giả của Tứ bách luận, mà đại cương Tứ bách luận cùng với Bách luận nhất trí, cho nên có người bảo Bách luận là sách cương yếu của Tứ bách luận, hoặc cũng có người bảo Tứ bách luận do phu diễn từ Bách luận mà thành. Lại nữa, trong bản Hán dịch, có một quyển Bách tự luận, được coi là của Đề Bà làm, do Bồ Đề Lưu Chi đời Hậu Ngụy dịch, tức là khái quát từ phẩm Phá thần trở xuống trong Bách luận, tương đương với Bách tự chú (Tạng:Yi-ge brgya-pa shesbya-ba#i #grel-pa) trong bản dịch Tây Tạng, mà Bách tự chú lại được xem là tác phẩm của ngài Long Thụ.

Như vậy, Bách tự luận hay Bách tự chú, rốt cùng, là tác phẩm của ngài Đề Bà hay của ngài Long Thụ? Không xác định được. Tuy nhiên, cứ theo quá trình trứ thuật mà suy thì cũng có thể cho là tác phẩm của Đề Bà, là vì, trong khi viết Bách luận, Tứ bách luận, thuận theo thứ tự thêm rộng ra mà hình thành tác phẩm ba bộ Bách luận này. Có nhiều chỗ trong Bách luận cho thấy học thuyết của phái Số luận, phái Thắng luận. Và mối quan hệ mật thiết giữa bản văn kinh Chính lí với học thuyết Thắng luận, bởi thế, đối với tình hình các phái triết học Ấn Độ khoảng thế kỉ III, đặc biệt là sự hình thành của phái Chính Lí, thì Bách luận đã cung cấp một tư liệu trọng yếu. Tại Trung Quốc, Bách luận cùng với Trung luận và Thập nhị môn luận, được gọi song song là Tam luận, là Thánh điển căn bản của tông Tam luận. Các bản chú thích có nhiều thứ, nổi tiếng hơn cả thì có Bách luận sớ ba quyển của ngài Cát Tạng đời Tùy. [X. Đại đường tây vực kí Q.5; Xuất tam tạng kí tập Q.2, Q.12; Khai nguyên thích giáo lục Q.4]. (xt. Tam Luận).