bạch liên tông

Phật Quang Đại Từ Điển

(白蓮宗) Là một phái thuộc tông Tịnh Độ của Phật giáo Trung Quốc. Do Mao Tử Nguyên sáng lập vào đầu năm Thiệu Hưng đời Cao Tông Triều Nam Tống. Tử nguyên, còn gọi là Từ Chiếu Tử nguyên, lúc đầu thờ ngài Tịnh Phạm ở chùa Diên Tường, Ngô quận, làm thầy, học giáo nghĩa Thiên Thai, tập Thiền pháp Chỉ quán. Nhân hâm mộ di phong lập Bạch Liên xã của ngài Tuệ Viễn đời Đông Tấn, nên khuyên nhủ sĩ dân qui y Tam Bảo, giữ năm giới, niệm Phật A Di Đà năm tiếng để chứng năm giới, biên thành Liên tông thần triêu sám nghi (nghi thức sám hối buổi sớm mai), thay cho pháp giới chúng sinh lễ Phật sám hối, cầu nguyện chúng sinh vãng sinh Tịnh Độ. Sau đến hồ Điển Sơn ở Bình Giang (nay ở phía tây huyện Thanh phố tỉnh Giang Tô, phía nam huyện Côn Sơn), sáng lập Bạch liên sám đường, tự xưng là Bạch liên đạo sư, tu Tịnh nghiệp, soạn Viên dung tứ độ tam quán tuyển Phật đồ, đề xướng nghĩa mới bèn thành một phái. Thời đó có ngưòi chê bai cho là sư thờ ma, sư mới dời đến Châu Giang (huyện Cửu Giang tỉnh Giang Tây), song vẫn khuyến hóa xa gần, không hề mệt mỏi. Năm Kiền đạo thứ 2 (1166) đời Hiếu Tông nhà Nam Tống, sư vâng mệnh vua, vào điện Đức Thọ diễn thuyết về pháp môn Tịnh Độ, được ban hiệu là Từ chiếu tông chủ. Không bao lâu, sư lại về Bình Giang, lấy Phổ giác diệu đạo làm tên tông, chủ trương Thiền, Tịnh nhất trí, Di đà tức là bản tính của chúng sinh, Tịnh độ tức ở trong tâm chúng sinh, chỉ cần tín nguyện niệm Phật, thì dù chẳng dứt được phiền não, chưa bỏ duyên đời, không tu Thiền định, sau khi mệnh chung, cũng có thể được vãng sinh Tịnh độ. Trứ tác có: Di đà tiết yếu, Pháp hoa bách tâm, Kệ ca tứ cú, Phật niệm ngũ thanh, Chứng đạo ca, Phong nguyệt tập v.v… (nay phần lớn đã thất truyền), một thời tông phong đại thịnh. Phật tổ thống kỉ nguyên 47 chép, tông này cấm tín đồ ăn hành tỏi, uống sữa, giữ giới nghiêm túc, không sát sinh, không uống rượu, tên hiệu là Bạch liên thái (rau sen trắng), còn gọi là Nhự mao xà lê thái (Mao xà lê ăn rau). Sau đó có Tiểu mao xà lê kế thừa giáo pháp của Tử Nguyên, thịnh hành ở phương nam, dần dần phát sinh tệ đoan, phong tục bại hoại, nhiễu loạn. Đến niên hiệu Chí đại năm đầu (1308) đời Vũ Tông Triều Nguyên, vào tháng năm, nhà vua xuống lệnh cấm Bạch Liên Xã; thời ấy, có Ưu Đàm Phổ Độ (? – 1330) ở chùa Đông Lâm, Lư Sơn, soạn Lư sơn Liên tôn bảo giám 10 quyển, xiển minh nghĩa chân thực của Bạch Liên tông do Tử Nguyên sáng lập, sau chịu mệnh vua, làm giáo chủ, đời gọi là Ưu Đàm Tông chủ. Vì Ưu Đàm dốc sức vào việc vận động khôi phục Bạch Liên tôn, nên vào năm vua Nhân Tông lên ngôi (1312) lại được phục giáo, nhưng các mối tệ vẫn chưa cải thiện. Lại tín đồ Bạch Liên tông xưa nay cứ tập họp vào ban đêm, tạo cơ hội cho những phần tử bất bình với xã hội thẩm nhập, mưu đồ phản loạn; vì e sợ mầm mống gây rối loạn xã hội; nên vào năm Chí Trị thứ 2 (1322) đời Anh Tông lại bị nhà vua cấm đoán. Về sau dung hợp với tín ngưỡng Di Lặc và gọi là Bạch Liên giáo, trở thành một trong những tôn giáo dân gian bí mật, lưu truyền khá rộng rãi. Hồng quân (giặc khăn đỏ) của Hàn Sơn Đồng ở cuối đời Nguyên và Chu nguyên chương dấy binh mưu phản cũng đều lợi dụng Bạch liên giáo; trong đời Minh, Thanh tuy bị nghiêm cấm, nhưng vẫn ngấm ngầm lưu hành trong dân gian. [X. Thích môn chính thống Q.4; Minh sử liệt truyện thứ 10, thứ 145]. (xt. Bạch Liên Giáo).