BẠCH LIÊN GIÁO

Phật Quang Đại Từ Điển

Là giáo hội bí mật, thuộc trong hệ thống Tịnh Độ giáo, kết đoàn với bọn giáo phỉ, mượn danh Di Lặc giáo hỗn hợp với Ma Ni giáo, Đạo giáo, Bạch Liên Tôn và tín ngưỡng dân gian, lưu hành trong ba đời Nguyên, Minh và Thanh.

Trong đó, Di Lặc giáo là đoàn thể tôn giáo tại gia thờ phụng Phật Di lặc, từ sau thời Tùy, Đường, những phần tử tham vọng thường mượn tên Di Lặc ra đời để mưu đồ tạo phản. Ma Ni giáo được truyền vào Trung Quốc trong thời Vũ Hậu nhà Đường, nhân việc Đường Vũ Tôn bài Phật, Ma Ni giáo cũng bị cấm, nên rút vào bí mật, vì đạo này sùng bái ánh sáng, vị thần được sùng bái gọi là Minh Vương, cho nên đổi tên là Minh giáo. Trong giáo nghĩa của Di Lặc giáo và Ma Ni giáo đều hàm chứa hiện trạng bất mãn, tư tưởng mong cầu tương lai, rồi những nghi thức như thắp hương, ăn chay v.v… cũng có nhiều chỗ tương đồng, cho nên, sau khi hai đạo tiếp xúc với nhau, tự nhiên đưa đến sự dung hợp. Mỗi khi xảy ra hiện tượng chính trị khiến trăm họ thất vọng, thì những truyện đồng dao Di Lặc, Minh Vương xuất thế lại được lan truyền rộng rãi. Ngoài ra, Đạo giáo là tín ngưỡng cố hữu của Trung Quốc, nên Di Lặc giáo, Minh Giáo lưu truyền ở dân gian không thể không chịu ảnh hưởng. Bởi thế, về sau, Bạch Liên giáo hưng khởi vào thời nhà Nguyên, cũng dung hợp cả ba thứ tín ngưỡng Di Lặc giáo, Minh giáo và Đạo giáo. Ngoài điều này ra, Bạch Liên giáo còn có một nguồn gốc nữa, đó là Bạch Liên Xã.

Vị cao tăng đời Đông Tấn là ngài Tuệ Viễn ở Lư Sơn, sáng lập Bạch Liên Xã chuyên tu niệm Phật tam muội, cầu nguyện vãng sinh Tây phương Tịnh Độ. Vào những năm đầu đời Nam Tống, Từ chiếu Tử Nguyên (Mao Tử Nguyên), sùng mộ di phong lập Bạch Liên xã của ngài Tuệ Viễn, bèn sáng lập một đoàn thể thứ dân niệm Phật, tức là Bạch Liên Tôn (tín đồ được gọi là Bạch Liên Thái), nhưng vì môn nhân là Tiểu Mao Xà Lê làm cho giáo lí sai lệch, đến nỗi vào những năm cuối đời Tống bị coi là một thứ tà tông, thịnh hành ở một giải Giang Nam. Còn cái tên Bạch Liên hội thì vào năm Chí Nguyên 18 (1281) đời Nguyên Thế Tổ, do Đỗ Vạn Nhất tập họp thành lập mà có.

Thời đó, hội này có liên quan gì với tín đồ Bạch Liên tông thuộc hệ thống Tử nguyên hay không thì không rõ, nhưng có thực hành các Phật sự Bạch Liên. Hội Bạch Liên này, vào thời Nguyên, bị coi là giặc, nên bị đàn áp, và có sắc lệnh cấm tên gọi hội Bạch Liên và tất cả thủ thuật mượn đạo làm loạn đời. Thời ấy, Ưu đàm phổ độ, vị tăng Bạch Liên tôn, ở chùa Đông Lâm, núi Lư Sơn, tỉnh Giang Tây, soạn Lư sơn liên tông bảo giám 10 quyển, nói rõ chân nghĩa của Bạch Liên tông do Tử Nguyên sáng lập, đồng thời, bác bỏ những lời nói và việc làm tà bậy của hội Bạch Liên đương thời. Đến niên hiệu Chí đại năm đầu (1308), vì việc làm trái phép của Bạch Liên đạo nhân ở Bạch Liên đường, Hậu Sơn, Lộ Kiến Ninh, tỉnh Phúc Kiến, nên lại bị đàn áp và cấm chỉ. Nhưng, nhờ Ưu Đàm Phổ Độ đích thân lên kinh đô cố gắng vận động phục giáo, vào khoảng vua Nhân Tông lên ngôi (1312), lại được cho phép hoạt động lại. Về sau, năm Chí trị thứ 2 (1322) đời Anh tông, lại ba lần bị cấm chỉ. Đến thời Thuận Đế, cha con Hàn Sơn Đồng ở Loan Thành, nói láo là hoa sen trắng nở, Di Lặc ra đời, rồi chính thức thành lập hội Bạch Liên, dựa vào Phật giáo mà viết ra những kinh sách phù lục truyền bá trong dân gian, vào năm Chí chính 11 (1351), cầm đầu dân ngu làm loạn, không bao lâu, đều bị xử tử, đó tức là Hồng cân tặc (giặc khăn đỏ). Thời Minh Thái Tổ cũng cấm ngặt.

Từ đời Minh trở về sau, hội Bạch Liên chịu ảnh hưởng của La Giáo (do La thanh đời Minh sáng lập, tông chỉ gần giống như Nam phái Thiền tông), hấp thu tư tưởng Chân không gia hương, vô sinh phụ mẫu (quê hương là chân không, cha mẹ là vô sinh), thờ mẹ già Vô sinh là chúa sáng thế, tuyên bố mẹ già Vô sinh sai thần Phật Di Lặc xuống phàm để bắt hết con gái đã mê mất trong hồng trần đưa trở về quê hương chân không. Từ đó về sau, các giáo phái mọc lên như nấm, các phái không ai chịu ai, giáo chủ thu tóm hết quyền trong tay, cha chết con nối; đẳng cấp nghiêm khắc, khi tín đồ nhập đạo, phải cử hành nghi thức nhất định, giao nạp tiền của, định kì hội họp, thắp hương lễ bái, tuyên giảng kinh quyển, dạy tập đánh đá. Đến khoảng năm Vạn Lịch đời Thần Tông, Từ Hồng nho và Vương Sâm lại khởi lên, đề xướng Bạch Liên giáo, tên gọi Bạch Liên giáo bắt đầu từ đó.

Tuy nhiên, nếu bàn về nguồn gốc tư tưởng Di Lặc chuyển thế trong Bạch Liên giáo, thì phải bắt đầu từ đời Tùy, Đường; còn nếu đứng về phương diện hình thái hỗn hợp các tín ngưỡng mà nói, thì nó hình thành từ đời Nam Tống hay đời Nguyên. Vương Sâm vì đã được mùi thơm khác lạ của con chồn ma quái nên tự xưng là Văn hương giáo chủ, đốc thúc dân chúng mưu phản, lan tràn các tỉnh Sơn Đông, Sơn Tây, Hà Nam, Thiểm Tây, nhưng cũng bại vong. Khoảng năm Càn Long đời Thanh, Bạch Liên giáo lại trỗi dậy, giáo chủ là Lưu Tùng, người tỉnh An Huy, bị bắt sung quân đưa đi Cam Túc, lại mưu phản, việc bại lộ, bị giết. Về sau, Lưu Chi Hiệp, Tống Chi Thanh, Vương Tam Hòe và Lãnh Thiêm Lộc lại nổi dậy, kêu gọi tín đồ, mưu dấy binh lật đổ nhà Thanh, việc bị phát giác, lần lượt bị giết.

Quan lại ra sức càn quét và rất nhiều người vô tội đã bị vạ lây. Những người khác ở Kinh Châu, Tương Dương, Tứ Xuyên, Thiểm Tây, Cam Túc, vì bị quan lại ép buộc phải thú nhận là làm phản, bèn ùn ùn gậy gộc nổi lên, lan tràn khắp năm tỉnh, thời bấy giờ gọi là Xuyên sở giáo đồ chi dịch (quân lữ giáo đồ Xuyên Sở). Quân nhà Thanh đánh không lại, bèn thi hành chính sách thanh dã (đưa hết dân quê vào thành để tránh sự tiếp tế cho địch); sau nhờ Ngạch Lặc Đăng Bảo, Dương Ngộ Xuân, và Dương Phương dần dần bình định được. Nhưng cái gốc của Bạch Liên giáo vẫn chưa bị tuyệt diệt. Xét tổng quát, trong quá trình phát triển, cái tên gọi Bạch Liên giáo đã nhiều lần biến thiên, chi phái thì nhiều danh mục phồn tạp, tuy nhiên, về phương diện giáo nghĩa, tổ chức, qui tắc và phương thức hoạt động, thì phần nhiều vẫn như nhau, cho nên có thể gọi chung là Bạch Liên giáo. Từ đời Minh, Thanh đến Dân Quốc, số giáo phái kể có tới một trăm thứ trở lên.

Như đời Minh có Hồng dương Tịnh không, Vô Vi, Tây Đại Thừa, đời Thanh đến Dân Quốc có Hoằng Dương, Hỗn nguyên, Thu Nguyên, Lão Quan Trai, Long Hoa, Bát Quái, Thiên Lí, Nhất Quán Đạo, Hòa Nghĩa đoàn, Hồng Thương hội, Đại Đao hội, Tiểu Đao hội, Thiên Môn hội, Vô Cực hội, Khoái đạo, Phiến Tử hội, Diệu Đạo hội, Hồng Đăng hội, Cửu Tiên hội, Thiên Hoàng hội, Lục Li hội, Phương Đạo hội, Đại Đạo môn, Báo Đức môn, Thập Tổ môn, Kim Đan đạo, Lão Sư đạo, Tọa Công đạo, Lão Phật Môn, Học Hảo giáo, Hiền Thánh giáo, Đại Phật giáo v.v… [X. Đại nguyên thông chế điều cách 28; Nguyên điển chương Q.33 Lễ bộ 5; Lư sơn liên tôn bảo giám; Lư sơn phục giáo tập].