BẠCH HỌC HẮC HỌC

Phật Quang Đại Từ Điển

Chỉ Nho học và Phật học. Từ ngữ này được dùng trong Bạch hắc luận của sa môn Tuệ Lâm ở thời đại Lưu Tống Nam Triều. Trong Bạch hắc luận, bạch học dùng để dụ Nho học; hắc học ví dụ Phật học. Trong luận có đoạn: Có ông Bạch học cho bậc Thánh nhân Trung Quốc có đức rộng lớn, kinh luân trăm đời! Trí khắp vạn biến, lí trời, người biết hết! Đạo Không ẩn ý, giáo không úp mở, thông suốt sáng láng, nào kém gì đâu! Có nhà đạo sĩ Hắc Học nông cạn lại chê là không chiếu rọi được con đường tối tăm, chưa biết được cái hóa trong kiếp sau, tuy chuộng hư tâm nhưng còn chấp sự, chưa bằng cái sâu xa của Tây Vực.

Trong đoạn văn trích dẫn trên đây, Có ông Bạch Học tức chỉ người sùng thượng đạo Chu Công, Khổng Tử, còn Đạo sĩ Hắc Học là chỉ người theo giáo nghĩa Phật giáo. Trong Bạch hắc luận, Tuệ lâm dùng Bạch học tiên sinh và Hắc Học đạo sĩ đối đáp cật vấn nhau để diễn bày các vấn đề chủ yếu. Quan điểm trong luận, cho hình hài rữa nát thì tâm thần cũng tan diệt theo, đồng thời, nhấn mạnh nhân nghĩa của Chu Khổng, vô dục của Lão Trang, cũng giống như từ bi hóa nhiếp của Thích Ca, cho nên, kết quả của cuộc đối thoại giữa hai nhân vật Hắc, Bạch đã được an bài là Bạch học tiên sinh thắng, do đó, đi đến kết luận Lục độ và Ngũ giáo tịnh hành, tín thuận và từ bi tề lập, khác đường mà cùng về.

Khi quan điểm trên đây được tung ra, giới Phật giáo đương thời đã công kích kịch liệt, và nhân đó, cũng đã mở ra cuộc tranh luận về tâm thần còn hay mất nổi tiếng trong lịch sử Phật giáo Trung quốc. [X. Hoằng minh tập Q.2, Q.3; Tống thư liệt truyện thứ 57 Thiên trúc Ca tì lê quốc truyện]. (xt. Bạch Hắc Luận, Thần Diệt Bất Diệt Luận Tranh).