BẠCH HẮC LUẬN

Phật Quang Đại Từ Điển

Còn gọi là Quân thiện luận, Quân thánh luận. Do Sa môn Tuệ Lâm soạn. Là bộ luận chủ yếu tranh cãi về vấn đề Thần diệt hay không diệt trong giới Phật giáo ở thời Nam Bắc Triều. Tác giả Tuệ Lâm là một cao tăng thời Lưu Tống, là học trò của ngài Đạo Uyên, tài cao nhưng kiêu ngạo, bác thông nội ngoại điển, đặc biệt giỏi về cái học Lão Trang và rất thạo môn hài hước. Khoảng năm Nguyên Gia 10 (433), sư soạn luận Bạch hắc, chủ trương thân thể một khi đã rữa nát thì tâm thần cũng theo đó mà tan diệt; khi luận này ra đời đã gây chấn động trong giới Phật giáo. Thời đó, Thái thú Hành Dương là Hà Thừa Thiên cũng soạn Đạt tính luận để đáp ứng phụ họa với thuyết của Tuệ lâm, rồi cứ lục tục soạn mấy thiên luận văn nữa biện luận thay cho Tuệ Lâm. Lâm, Hà hai người cùng đi lại xướng họa, chê bai Phật giáo.

Những người thâm tín Phật giáo thời đó, thấy thế rất bất bình, bèn cùng nhau viết văn bác lại luận điểm của hai người một cách gay gắt. Trong các trứ tác đó, nổi tiếng hơn cả thì có Thích Hà Hành dương Đạt tính luận của Nhan Diên, Thái thú Vĩnh Gia, Minh Phật luận và Nạn Bạch hắc luận của Tôn bính, đệ tử ngài Tuệ Viễn ở Lư Sơn. Thuyết Thần tùy hình diệt (Tinh thần diệt theo thể xác) của Tuệ Lâm và Hà thừa thiên, tuy một thời đã lắng xuống vì bị các nhà nhiệt tâm bảo vệ đạo pháp công kích thường xuyên, nhưng nó đã tạo ra một cuộc tranh luận về tâm thần còn hay mất trong lịch sử Phật giáo Trung Quốc, mà trải qua các đời Tống, Tề, Lương, Trần thuộc Nam Triều vẫn không suy, trong đó, trứ danh nhất là Thần diệt luận của Phạm chẩn đã đưa đến cuộc luận chiến kịch liệt. [X. Lương cao tăng truyện Q.7; Phật tổ thống kỉ Q.36; Hoằng minh tập Q.2, Q.3, Q.4; Quảng hoằng minh tập Q.5, Q.7; Phá tà luận Q.thượng; Tống thư liệt truyện thứ 57 Thiên trúc Ca tì lê quốc truyện]. (xt. Tam Giáo Luận Hành, Thần Diệt Bất Diệt Luận Tranh).