BẠCH CHÂN

Phật Quang Đại Từ Điển

Hàm ý là tán thán tượng thực của Tổ sư. Còn gọi là Thán chân. Chân, chỉ cho tượng đắp hoặc vẽ của Tổ sư, hoặc của Phật, Bồ tát. Ngày kị (giỗ) các Tổ sư, trước khi hồi hướng, đọc một bài văn xuôi hoặc văn kệ để bày tỏ trước hình tượng (chân), cho nên gọi là Bạch chân. [X. Bị dụng thanh qui Q.1 Đạt ma tổ sư kị; Động thượng tăng đường thanh qui hành pháp sao Q.4 Chư sớ pháp]. BẠCH CHIÊM (NIÊM) TẶC Tiếng dùng trong Thiền lâm. Nói tắt là Bạch chiêm. Bạch, nghĩa là không, trống trơn; chiêm, dùng ngón tay cầm lấy vật. Tức tay không cầm vật nhọn mà dùng ngón tay nhọn để lấy trộm, lại không để lại một dấu vết gì cả, gọi là Bạch chiêm tặc, chỉ kẻ trộm có ngón khéo nhất. Một thuyết cho bạch là ý ban ngày, tức là giữa thanh thiên bạch nhật, trước mắt mọi người mà kẻ cắp lấy của người ta một cách tài tình, nhanh chóng, cũng là chỉ cái ngón cực khéo của kẻ cắp. Trong Thiền lâm, từ ngữ Bạch chiêm tặc được chuyển dụng để chỉ cái thời cơ nhanh chóng khéo léo mà thầy dùng để tiếp dẫn học trò. Liên đăng hội yếu quyển 9 (Vạn tục 136, 289 hạ), chép: Tuyết Phong nói: Lâm Tế rất giống bạch chiêm tặc (…) Tuyết đậu nói: Kẻ tài ăn cắp, đến quỉ thần cũng không biết. Đã bị Tuyết Phong trông thấy, Lâm Tế không phải là tay giỏi. [X. Bích nham lục Tắc 73].