BÁCH BÁT CHUNG

Phật Quang Đại Từ Điển

Chỉ cho một trăm linh tám tiếng chuông mà các chùa viện dóng lên vào mỗi buổi sớm, chiều. Đó là tượng trưng cho sự phá trừ một trăm linh tám cái phiền não, nên gọi là trăm linh tám tiếng chuông. Hành pháp này bắt đầu từ Trung Quốc. Cứ theo Sắc tu Bách Trượng thanh qui quyển 8 chương Pháp khí chép, thì buổi sáng sớm lên chuông là để phá trừ đêm dài, cảnh giác sự mê ngủ, buổi tối lên chuông là để gọi tỉnh người đời khỏi cơn mê muội tối tăm. Lại nói, nâng vồ chuông chầm chậm, dóng tiếng chuông êm ái ngân dài, chia làm ba hồi, mỗi hồi ba mươi sáu tiếng, lúc bắt đầu rung chuông và lúc hồi chuông thì hơi nhanh, cộng tất cả là một trăm linh tám tiếng.

Lại cứ theo Thiền lâm tượng khí tiên Bái khí môn chép, thì trăm linh tám tiếng chuông chia làm ba hồi, mỗi hồi ba mươi sáu tiếng, mười tám tiếng trước nhanh vừa, mười tám tiếng sau nhanh gấp. Lại đánh tất cả một trăm linh tám tiếng là để phối hợp với mười hai tháng, hai mươi bốn khí, bảy mươi hai hậu. Lại trước khi đi ngủ, dóng một trăm linh tám tiếng chuông, còn được gọi là chuông u minh. Tại Nhật Bản, lúc giao thừa, thỉnh một trăm linh tám tiếng chuông, gọi là chuông trừ tịch. [X. Loại tụ danh vật khảo Q.334].