BẠCH ẨN HUỆ HẠC

Phật Quang Đại Từ Điển

(1685 – 1768) Là vị tăng thuộc tông Lâm Tế của Nhật Bản. Hiệu Hạc Lâm. Người Tuấn Hà (huyện Tĩnh Cương). Mười lăm tuổi xuất gia ở chùa Tùng Ấm (huyện Tĩnh Cương, quận Tuấn Đông, Đinh Nguyên), nối pháp của ngài Tín Nùng (huyện Trường Dã), ở núi Phạn, đứng đầu trong chùa Diệu Tâm. Bình sinh sư không thích danh lợi, từng du lịch nhiều nước, thích đời sống nông dân, suốt đời ở trong ngôi chùa nghèo nàn tại đồng quê. Đời gọi là Tổ Trung Hưng tông Lâm Tế, hoặc là cha của tông Lâm Tế hiện đại. Sinh bình đề xướng giảng diễn để mở rộng Phật pháp. Ngoài việc phục hưng chùa Tùng Ấm ra, sư còn khai sáng chùa Quan Âm trên núi Diệu Trí, chùa Tân Vô Lượng, chùa Tam Đảo Long Trạch v.v… Năm Minh Trị thứ 5, sư nhập tịch ở chùa Tùng Ấm, hưởng thọ tám mươi tư tuổi. Có Ngữ lục gồm 103 quyển, Hòe an quốc ngữ 7 quyển, Tức canh lục 1 quyển, Viễn la thiên phũ, Dạ thuyền nhàn ngữ và Bích sinh thảo tự truyện, đều thu vào Bạch Ẩn Thiền sư toàn tập (sáu tập), trong đó có chép cả thi văn, thư họa.

Thụy hiệu là Thần cơ độc diệu Thiền sư. Chính tông quốc sư. Trong số đệ tử nối pháp, nổi tiếng nhất là Viên Từ ở Đông Lĩnh, Nguyên Lô ở Toại Ông, Từ Trạo ở Nga Sơn, Huệ Đào ở Linh Nguyên, Nguyên Minh ở Lương Tai, Nghi Vận ở Thượng Hải, Đại Hưu, Khoái Nha, Viên Trụ, Ngoan Cực v.v… Từ vài trăm năm trở lại đây, trong số các Thiền sư Nhật Bản, Bạch Ẩn Tuệ Hạc là người Dĩnh Ngộ siêu quần, nhiều tài nghệ nhất, trọn đời dốc sức vào việc hệ thống hóa các công án, và đơn thương độc mã phục hưng tông Lâm Tế đang mỗi ngày một suy vi. Công án Tiếng vỗ của một bàn tay do sư sáng lập, là công án nổi tiếng nhất trong số những công án do người Nhật tự đặt ra. Ngoài ra, Tọa Thiền hòa tán do sư trứ tác, cũng được các Thiền viện đời sau tụng tập một cách phổ biến. [X. Chính tông quốc sư niên phổ; Cận thế thiền lâm tăng bảo truyện Q.thượng; Tục Nhật Bản cao tăng truyện Q.8].