BẮC TRUYỀN PHẬT GIÁO

Phật Quang Đại Từ Điển

Tên gọi chung cho nền Phật giáo được truyền từ bắc Ấn độ qua miền trung Á vào Trung quốc, Đại hàn đến Nhật bản, và nền Phật giáo từ Népal, Tây tạng truyền vào Mông cổ. Cũng gọi Bắc phương Phật giáo. Thế kỉ 19, các học giả châu Âu bắt đầu nghiên cứu Phật giáo, phần nhiều họ nghiên cứu kinh điển Phật giáo thuộc hệ thống tiếng Pàli Tích lan lưu hành ở các nước Tích lan, Miến điện, Thái lan và Cao miên, rồi gọi Phật giáo tại các nước ấy là Nam phương Phật giáo. Đối lại, kinh điển Phật giáo thuộc hệ thống tiếng Phạm (sanskrit) và tác phẩm phiên dịch từ tiếng Phạm được lưu hành tại Trung quốc, Nhật bản, Tây tạng v.v…, vì từ Ấn độ truyền bá theo hướng bắc, cho nên gọi là Bắc phương Phật giáo, Bắc truyền Phật giáo. Vào niên hiệu Nguyên thọ năm đầu (năm thứ 2 tr.T.L) đời vua Ai đế nhà Tây Hán Phật giáo đã từ Ấn độ qua Tây vực mà truyền vào nội địa Trung quốc. Những năm cuối đời Đông Hán, các kinh điển Phật giáo liên tục được dịch ra chữ Hán, giáo nghĩa Phật giáo bắt đầu kết hợp với tư tưởng và văn hóa truyền thống của Trung quốc, thấm sâu vào nhân gian. Thời kì Ngụy Tấn Nam Bắc triều, Phật giáo lại kết hợp huyền học, rồi sự phiên dịch kinh điển Phật giáo, nghiên cứu giáo nghĩa, kinh tế chùa viện v.v… cũng đều được phát triển. Đến đời Tùy, Đường thì đạt đến cực thịnh mà hình thành các tông phái như Thiên thai, Hoa nghiêm, Pháp tướng, Luật, Tịnh độ, Thiền v.v… những tông phái này đều dung hội với văn hóa vốn có của Trung quốc mà sản sinh ra Phật giáo Đại thừa. Từ đời Tống trở về sau, Phật giáo đã dần dần dung hợp với Nho giáo, Đạo giáo.

Về phía Tây tạng, thì sau thế kỉ thứ VII, Phật giáo được truyền vào, và dần dần đã trở thành Phật giáo Tây tạng (người ta quen gọi Lạt ma giáo), sau đó, truyền đến các khu vực Mông cổ và Tây bá lợi á. Về phía Triều tiên, thì cuối thế kỉ thứ IV, Phật giáo từ Trung quốc được truyền vào Triều tiên. Từ thế kỉ thứ VII trở về sau lại có các vị tăng Triều tiên đến Trung quốc cầu pháp, đem Phật giáo Thiền tông Trung quốc truyền về Triều tiên, thành lập tông Tào khê, là Thiền tông riêng của Triều tiên lưu hành trong nước. Về phía Nhật bản, thì cuối nửa đầu của thế kỉ VI, Phật giáo từ Trung quốc, Triều tiên truyền vào và đã nhanh chóng phát triển thành tôn giáo chính của Nhật bản. Vào thời kì Nại lương (Nara, 710-794), Phật giáo Nhật bản đã có sáu tông: Tam luận, Pháp tướng, Thành thực, Câu xá, Luật, Hoa nghiêm v.v…, tất cả đều đã từ Trung quốc truyền sang. Đến thế kỉ IX, các tông Thiên thai, Chân ngôn lại được truyền vào. Sang thế kỉ XIII thì các tông Tịnh độ, Tịnh độ chân tông và tông Nhật liên dấy lên, rồi Thiền tông cũng được truyền vào. Mặc dầu tông phái phiền tạp, nhưng Phật giáo Nhật bản vẫn xem Đại thừa là chủ yếu, còn Tiểu thừa thì chì xen lẫn chút ít. Về phía Việt nam, thì chủ yếu là Phật giáo từ Trung quốc được truyền sang vào thế kỉ thứ II, về sau cũng du nhập các tông phái Phật giáo Trung quốc, trong đó, Thiền tông và Tịnh độ tông là chính. Các phái Thiền chủ yếu thì có phái Diệt hỉ (Phạm : Vinìtaruci=Tì ni đa lưu chi), phái Vô ngôn thông, phái Thảo đường, phái Trúc lâm, phái Liễu quán và phái Liên tôn. Nói tóm lại, Phật giáo phương Nam vẫn còn giữ được sắc thái đậm đà của Phật giáo nguyên thủy ở Ấn độ; tuy nhiên, không phải chỉ có Tiểu thừa, mà cũng có Đại thừa. Còn Phật giáo phương Bắc thì dung hợp với các nền văn hóa sẵn có của các địa phương, lấy Đại thừa làm chính, nhưng cũng không phải chỉ thuần túy Đại thừa, mà còn xen lẫn cả Tiểu thừa.

Nói đúng ra, cả Kinh điển bằng tiếngPàlihay tiếng Phạm đều vốn bắt nguồn ở trung Ấn độ, cho nên bất luận là Tích lan (Tiểu thừa) hay Népal (Đại thừa) cũng chỉ là nơi được truyền thừa mà thôi. Nếu nhìn bao quát các khu vực nói ở trên, thì chia Phật giáo làm hai phương Nam, Bắc e không thích đáng, mà cũng không phải là cách chia loại xác thực. Hơn nữa, các Kinh luận phiên dịch của Phật giáo phương Bắc mông mênh như biển, trong đó, có các nguyên bản Thánh điển tiếng Phạm, rồi các loại bản dịch Tây tạng, Hán, Mông cổ, Mãn châu, Triều tiên, Nhật bản v.v… rất là đồ sộ. Ngoài ra, còn có các tác phẩm soạn thuật của các bậc cao tăng tổ sư cực kì phong phú, Phật giáo phương Nam không thể nào sánh kịp. (xt. Nam Truyền Phật Giáo).