BẮC TÔNG THIỀN

Phật Quang Đại Từ Điển

Thiền Bắc tông. Cũng gọi Bắc thiền, Bắc tông. Đối lại với Nam tông thiền. Môn hạ của Ngũ tổ Thiền tông Hoằng nhẫn là Đại thông Thần tú, truyền pháp Thiền ở miền Bắc, cho nên gọi Bắc tông. Sau khi Ngũ tổ nhập tịch, ngài Thần tú dời đến núi Đương dương ở Giang lăng (Hồ bắc), hết sức chủ trương thuyết Tiệm ngộ, giáo thuyết của ngài thịnh hành ở miền bắc, như Trường An, Lạc dương v.v…

Còn ở phương nam thì Lục tổ Tuệ năng thuyết pháp giáo hóa ở núi Tào khê thuộc Thiều châu (Quảng đông), chủ trương tư tưởng Đốn ngộ, phát triển thành Thiền nam tông. Từ đó, lịch sử Thiền tông Trung quốc mới có tên gọi Nam tông, Bắc tông, Nam đốn, Bắc tiệm. Nhưng, tên gọi Bắc tông không phải phái ngài Thần tú tự xưng, mà là do ngài Thần hội, đệ tử của Lục tổ Tuệ năng, gán cho. Thần hội tự cho tông mình là pháp hệ chính thống của Thiền tông, tự gọi tông mình là Nam tông, coi pháp môn tiệm ngộ lưu truyền ở miền Bắc là thấp kém, mới dùng từ Bắc tông để gọi, hàm ý chê bai, miệt thị.

Những người được ngài Thần tú phó chúc gồm bốn vị Phổ tịch, Kính hiền, Nghĩa phúc và Ngọc sơn Huệ phúc. Dưới các triều Vũ tắc thiên, Trung tông, Duệ tông, ngài Thần tú đều được tôn làm Quốc sư. Ngài Phổ tịch cũng được gọi là Quốc sư của ba đời vua. Còn các ngài Nghĩa phúc, Kính hiền, Huệ phúc thì lấy Trường an, Lạc dương làm trung tâm, làm rạng rỡ môn phong Bắc tông. Đạo tuyền là đệ tử của ngài Phổ tịch, nhận lời mời của chư tăng Nhật bản, sang Nhật hoằng pháp, là nhân vật trọng yếu đem pháp Thiền truyền vào Nhật bản ở thời kì đầu.

Tông này tuy đã từng thịnh hành ở miền Bắc, nhưng vì pháp nạn Hội xương xẩy ra, Nam tông hưng thịnh, và bị Thần hội bài xích, do ba nguyên nhân ấy mà dần dần suy đồi, đến cuối đời Đường thì sự truyền thừa dứt tuyệt. Sách sử liên quan đến sự truyền thừa của tông phái này thì có Lăng già sư tư kí của Tịnh giác, Truyền pháp bảo kỉ do Đỗ quật soạn. Về giáo chỉ của tông này, Viên giác kinh đại sớ sao quyển 3 phần dưới của ngài Tôn mật nói (Vạn tục 14, 277 thượng): Đại sư Thần tú là tổ khai sáng của tông này, các đệ tử Phổ tịch v.v… mở rộng thêm. Chữ phất trần (phủi bụi), trong bài kệ chính của Thần tú là: Thời thời tu phất thức, mạc khiển hữu trần ai (thường phải lau chùi luôn, chớ để nó dính bụi).

Ý nói : chúng sinh sẵn có tính giác, cũng như gương có tính sáng; phiền não che lấp nó, như bụi phủ mờ gương. Dứt hết vọng niệm, thì bản tính tròn sáng, cũng như lau hết bụi thì gương sáng tỏ, không vật gì chẳng hiện ra. Ngài Thần tú từng soạn luận Quán tâm và đề xướng thuyết Ngũ phương tiện môn, lấy đó làm pháp môn tu đạo theo thứ tự từng giai đoạn. Chính luận điểm này đã trở thành mục tiêu cho Thần hội công kích Bắc tông.

Tuy nhiên, nếu đứng trên quan điểm tư tưởng sử của Thiền tông mà nói, thì thuyết Quán tâm của ngài Thần tú thật đã kế thừa một cách trung thực pháp môn Đông sơn của Tứ tổ Đạo tín và Ngũ tổ Hoằng nhẫn. [X. Thiền môn sư tư thừa tập đồ; Đại thừa vô sinh phương tiện môn; Chú bát nhã ba la mật đa tâm kinh; Trung quốc Thiền tông sử (Ấn thuận); Thiền tông sử nghiên cứu (Vũ tỉnh Bá thọ)]. (xt. Thiền Tông).