BẮC THIỀN PHANH NGƯU

Phật Quang Đại Từ Điển

Bắc thiền hầm trâu. Tên công án trong Thiền lâm. Bắc thiền, chỉ ngài Trí hiền là người nối pháp của Thiền sư Phúc nghiêm Lương nhã thuộc tông Vân môn đời Bắc Tống. Vì ngài ở lâu nơi viện Bắc thiền tại Thường ninh Hành châu (Hồ nam), nên người đời gọi ngài là Bắc thiền Trí hiền. Một năm nọ, vào giờ Tiểu tham trong đêm trừ tịch, Bắc thiền mở bày cho đại chúng, nói rằng (Vạn tục 148,105 hạ): Năm hết tết đến, ta chẳng có gì mừng tuổi các ông, thôi, các ông hãy hầm một con lộ địa bạch ngưu, rồi vo gạo nấu cơm, hái rau đồng nấu canh, và hát khúc làng quê bên đống lửa dưới gốc cây.

Vì sao? Vì không muốn các ông dựa vào cửa, vào tường nhà người ta! Lộ địa, chỉ khoảng đất trống ngoài cửa chùa, hoặc là nơi bình an vô sự. Bạch ngưu (trâu trắng), nghĩa là trâu trong sạch. Bởi thế từ ngữ lộ địa bạch ngưu, trong Thiền lâm, được dùng để ví dụ sự chứng ngộ rốt ráo, đạt tới cảnh giới trong sạch tự tại cao nhất. Lộ địa bạch ngưu cũng là chìa khóa của tắc công án trên đây. Bởi vì, ý ngài Bắc thiền muốn nói bữa cơm đêm giao thừa, không nên theo như thường lệ họp nhau cùng ăn, mà nên tự mỗi người thanh tịnh tự tại, vo gạo hái rau, thổi cơm nấu canh, rồi đốt lửa mà hát bài làng quê, tự hưởng thú vui vô cùng.

Ý trong câu nói là chỉ đạo rốt ráo chẳng phải ngoài tự tính quí báu của chính mình mà có, cũng chẳng phải cứ rập khuôn theo những qui tắc thường lệ mà được; cũng không nên tựa cửa nhà người ta, nhặt cái răng trí tuệ của người khác, mà không biết phát minh tự tâm để tìm ra cái trân quí mà mình vốn có. [X. Thiền uyển mông cầu Q.thượng].