bắc thạch quật tự

Phật Quang Đại Từ Điển

(北石窟寺) Chùa hang đá bắc. Cũng gọi Tự câu thạch quật. Đối lại với Nam thạch quật tự. Vị trí chùa ở gần trấn Tây phong, huyện Khánh dương, tỉnh Cam túc, trên bờ phía Chùa Bắc Thạch Quật đông của sông Tự câu (Kinh thủy), chỗ hai chi nhánh sông Bồ, Nhứ gặp nhau. Từ xa nhìn, những hang khám thờ giống như một cái tổ ong khổng lồ, không khí rất yên lặng trang nghiêm. Cứ theo văn bia trùng tu chùa hang và các thần miếu vào năm Càn long 60 (1795) đời Thanh và Trấn nguyên huyện chí dẫn văn bia đời Đường ghi chép, thì hang này do quan Thứ sử Kinh xuyên tên là Hề khang sinh kiến tạo vào năm Vĩnh bình thứ 2 (509) thời Bắc Ngụy. Về sau, trải qua các đời Tây Ngụy, Bắc Chu, Tùy, Đường đục hang tạc tượng mà thành. Hiện nay còn gần ba trăm cái khám thờ đục trên vách đá, tượng đá lớn nhỏ hơn hai nghìn pho, và chữ khắc trên đá hoặc viết bằng mực cùng với những tấm bia v.v… Những bức tranh vách tương đối ít hơn, và phần nhiều đã bị sứt mẻ. Những khám thờ được đục khoét trên mặt sườn núi Hoàng sa, chia làm ba tầng trên, giữa, dưới, chiều nam bắc dài hơn một trăm mét, chỗ cao nhất cách mặt đất chừng hơn mười mét, trong đó, hang lớn có biên số hiệu thứ 165, tục gọi là Động Phật, là hang to nhất và được giữ gìn hoàn hảo nhất trong quần thể hang đá. Hang này cao 13,2 mét, rộng 21,7 mét, sâu 17,9 mét, trong có bảy pho tượng Phật, thân cao chừng 8,1 mét, mười vị Bồ tát đứng hầu hai bên Phật, thân cao từ ba mét đến bốn mét không đều nhau. Hai Bồ tát ngồi tréo chân cũng cao tới 5,8 mét. Ngoài ra, còn có tượng Thiên vương ba đầu bốn tay, tượng bồ tát Phổ hiền cỡi voi, và tranh vẽ Thái tử Tát đỏa bỏ mình nuôi cọp đói. Tranh này là một bức chạm trổ lớn về sự tích bản sinh của đức Phật. Ngoài cửa hang, ở hai bên đều có khắc tượng kim cương lực sĩ và sư tử.