BẮC NGỤY THÁI VŨ ĐẾ

Phật Quang Đại Từ Điển

(北魏太武帝) (408-452) Tức là Hoàng đế Thác bạt đảo đời thứ 3 của nhà Bắc Ngụy. Người Tiên ti. Ông có tài mưu lược, dùng binh giỏi. Sau khi lên ngôi, vua đánh đuổi Nhu nhiên, thôn tính Hung nô, hàng diệt các nước Bắc yên, Tây lương, Tây hạ, thống nhất Giang bắc, đứng ngang hàng với Nam triều. Lúc đầu, Thái vũ đế tiếp nối chính sách đối với Phật giáo của các vua Thái tổ, Thái tông, sùng tín Phật pháp, cung kính các vị sa môn, mời ngài Huyền cao làm thầy dạy Thái tử. Bấy giờ, Tể tướng Thôi hạo tin thờ Đạo giáo, về hùa với đạo sĩ Khấu khiêm chi, đã nhiều lần báng bổ Phật giáo ngay trước mặt vua.

Vua cho lời biện bác của Tể tướng là phải, nên tin theo. Đúng lúc ấy, bọn Hồ cái ngô họp nhau ở Hạnh thành làm phản, vua tiến quân vào Trường an, đến một ngôi chùa, thấy rất nhiều cung tên, đồ binh được giấu trong nhà xí, vua ngờ các sa môn làm việc trái phép, nổi cơn thịnh nộ, ra lệnh giết hết tăng sĩ trong chùa; Thôi hạo thừa cơ xúi giục thêm, vua bèn xuống lệnh giết hết sa môn ở Trường an, đốt phá kinh tượng. Năm Thái bình chân quân thứ 5 (444), vua lại ra lệnh cấm các vương công và dân thường không ai được nuôi sa môn, và định thời hạn cho những ai giấu các sa môn trong nhà phải đem giao nộp, nếu cố tình che giấu quá thời hạn thì sẽ bị giết hết cả nhà. Thái tử Thác bạt hoảng, vốn sùng kính Phật giáo, đã hai ba lần dâng biểu can ngăn vua, nhưng đều chưa được chấp nhận.

Thôi hạo thấy Thái tử cung kính thầy học là sa môn Huyền cao, sợ khi Thái tử lên cầm quyền sẽ không lợi cho mình, nên lại dâng lời dèm pha, âm mưu giết chết Thái tử trong cung cấm và thắt cổ ngài Huyền cao ở Nam giao. Năm Thái bình chân quân thứ 7 (446), vua lại hạ lệnh diệt hết Phật pháp, tất cả chùa tháp, kinh tượng đều bị phá sạch, đốt sạch, còn các sa môn thì bất luận lớn bé già trẻ đều bị chôn sống. Lời can gián của Thái tử trước kia tuy không được nghe theo, nhưng cũng khiến nhà vua ngần ngại và hoãn việc công bố tờ chiếu diệt Phật trên đây, nhờ biết trước nên nhiều sa môn đã trốn tránh được, những pho tượng Phật bằng vàng bạc quí báu và nhiều kinh luận cũng được bí mật cất giấu, chỉ có những chùa tháp ở Bắc Ngụy thì không còn sót một ngôi nào, trong sử gọi đây là Thái Vũ Pháp Nạn, là ách nạn thứ nhất trong Tam Vũ Nhất Tôn của lịch sử Phật giáo Trung quốc. Lại trong quá trình diệt Phật, Khấu khiêm chi phản đối việc hủy diệt Phật giáo một cách toàn triệt, mà chủ trương nên giữ lại một phần, và chủ trương này đã đưa đến việc tranh cãi giữa Khấu khiêm chi và Tể tướng Thôi hạo.

Sau đó, Khấu khiêm chi mắc bệnh mà chết, còn Thôi hạo thì tiếp tục thi hành chính sách diệt Phật. Năm Thái bình chân quân thứ 8 (447), thình lình sét đánh trong cung, nội điện nghiêng đổ, vua bị thương. Năm Thái bình chân quân 11 (450) vua bị bệnh dịch, quần thần đều cho rằng, tai họa này là do việc Thôi hạo hủy diệt Phật giáo mà ra. Kịp đến khi Thôi hạo tự soạn bộ lịch sử nước Ngụy, trong đó, ông ta miệt thị dân tộc Hồ, xúc phạm đến tên húy của Vũ đế, bị vua hạ lệnh chém ngang lưng và giết hơn trăm người trong giòng họ. Năm Thái bình chân quân 13 (452), vua mắc bệnh dịch mà chết (có thuyết nói quan Thường thị là Tông ái đã giết vua), hưởng dương 45 tuổi, ở ngôi vua 28 năm. Thái vũ đế chết, Văn thành đế lên nối ngôi, Phật giáo lại dần dần được khôi phục và phát triển. [X. Lịch đại tam bảo kỉ Q.3; Lương cao tăng truyện Q.11; Ngụy thư thích lão chí thứ 25].