bắc nguỵ hiếu văn đế

Phật Quang Đại Từ Điển

(北魏孝文帝) (467-499) Tức là Hoàng đế Thác bạt hoằng (sau đổi họ là Nguyên), đời thứ 6 của nhà Bắc Ngụy, cũng là vị vua anh minh của Bắc Ngụy trung hưng. Người Tiên ti, lúc còn nhỏ mới lên ngôi, có Phùng thái hậu phụ chính, thi hành chính sách kinh tế như ban bổng lộc và chia ruộng đất một cánh đồng đều. Sau khi đích thân nắm quyền chính, vua ra sức vận động Hán hóa, đẩy mạnh việc dung hợp hai dân tộc Hồ Hán, cấm ăn mặc kiểu Hồ, nói tiếng Hồ và dời đô từ Bình thành (Đại đồng, Sơn tây) đến Lạc dương. Hiếu văn đế dốc lòng tin Phật pháp, thường cùng với Thái hậu đến các nơi Ngũ đài, Vân cương nghe các vị sa môn giảng dạy Phật pháp. Vua sáng lập các chùa Thiền (tức nay là chùa Thiếu lâm) ở núi Thiếu thất, thỉnh Thiền sư Phật đà trụ trì, đồng thời thiết lập nơi dịch kinh tại chùa. Vua lại tiếp tục sự nghiệp của ông nội là Văn thành đế đục mở hang đá Vân cương, mãi đến khi dời đô mới ngưng. Năm Thái hòa 19 (495), vua đến chùa Bạch tháp ở Từ châu, lễ thỉnh vị cao tăng đương thời là ngài Đạo đăng giảng luận Thành thực và cho Thái tử Thác bạt hưng cạo tóc ở chùa Tung nhạc. Năm Thái hòa 21 (497), vua xây tháp thờ ngài Cưu ma la thập để tưởng nhớ công đức của ngài. Năm Thái hòa 23 (499), vua băng hà, hưởng dương 33 tuổi. [X. Phật tổ thống kỉ Q.38, Q.51].