bạc già phạm

Phật Quang Đại Từ Điển

(薄伽梵) Phạm:Bhagavat, Pàli: Bhagavà hoặc Bhagavant. Là một trong mười hiệu của đức Phật, một trong hiệu chung của chư Phật. Còn gọi là Bà già bà, Bà già phạm, Bà nga phạ đế. Dịch ý là Hữu đức, Năng phá, Thế tôn, Tôn quí. Tức hàm ý là người có đức được đời tôn trọng. Tại Ấn Độ, từ này được dùng để tôn xưng các vị thần có đức hoặc các bậc Thánh giả, trong trường hợp ấy, nó có đầy đủ sáu nghĩa: tự tại, li dục, cát tường, chính nghĩa, danh xưng và giải thoát. Trong Phật giáo, đó là từ tôn xưng đức Phật. Lại vì đức Phật có đầy đủ các đức như: có đức, hay phân biệt, được mọi người tôn kính, có thể phá trừ phiền não, cho nên, Bạc già phạm cũng có đủ bốn ý nghĩa là: có đức, khéo phân biệt, có danh tiếng, và có khả năng phá trừ các phiền não. Lại cứ theo Phật địa kinh luận, quyển 1 chép, thì Bạc già phạm có đủ sáu nghĩa là: tự tại, xí thịnh, đoan nghiêm, danh xưng, cát tường và tôn quí. Ngoài ra, cũng có người đem chép chung Phật và Bạc già phạm làm một mà gọi là Phật bạc già phạm. [X. luận Đại trí độ Q.2; Thanh tịnh đạo luận Q.7; Đại thừa nghĩa chương Q.20]. (xt. Thế Tôn, Bà Già Bà).