Ba thằng Đậu
Ni sư Hạnh Huệ

 

Yết Đường, một học trò nghèo đời Tống, vì cuộc sống khó khăn, không đủ phương tiện theo đuổi công danh, ông lên phố mở trường dạy học. Bạn bè ông hơn một nửa đã đỗ đạt làm quan, xe ngựa võng dù nghênh ngang. Mỗi lần gặp ông, họ đều ngoảnh mặt làm ngơ, dường như chưa hề quen biết. Yết Đường ngậm ngùi than:

        – Đọc sách chỉ cốt học làm người, làm người cần theo đúng bổn phận là tạo được nhiều việc thiện. Ta dạy trẻ con đọc sách hiểu đạo thánh hiền, cũng là trọn vẹn trách nhiệm làm người rồi. Bọn họ được phú quý vinh hiển, chẳng thèm nhìn ta, đó là việc của họ.

        Ông lại rành thuốc men, nên thường chứa nhiều thuốc viên, thuốc tán tại trường. Hễ ai cần đến, ông xem mạch cho thuốc, tiền nong tùy ai muốn đưa bao nhiêu cũng được, nghèo quá không tiền thì thôi. Mọi người gọi ông là trưởng giả nhân hậu.

        Có một năm, trời mất mùa, dân chúng đói khổ, người chết vô số. Cuối năm ấy, ông nghỉ dạy, mang theo mấy lượng bạc về nhà. Giữa đường gặp một thiếu phụ vừa ôm con vừa khóc chạy qua. Ông sanh nghi rảo bước theo sau, thấy bà đặt đứa bé bên đường nức nở:

        – Tam Can, con ở đây đợi bậc thiện nhân quân tử đến cứu con nhé! Mẹ nuôi sống con không nổi nữa rồi!

        Thiếu phụ đứng lên, chạy vụt xuống bờ sông. Yết Đường chợt động tâm cơ, biết bà ta muốn đâm đầu xuống sông tự vận.

        Ông hốt hoảng la lên:

        – Không được! Không được!

        Rồi chạy bay đến níu thiếu phụ lại hỏi thăm sự tình:

        – Chẳng giấu gì ông. Gặp lúc mất mùa đói kém, tôi xoay sở đủ cách vẫn không cách nào sống được, chỉ còn nước xuống kêu khổ với Diêm Vương mà thôi.

        Yết Đường thở ra nói:

        – Mất mùa tuy là số trời, nhưng cũng đừng nên coi thường mạng sống. Tôi có ít lượng bạc đây, bà cầm lấy sống đỡ, chớ có liều mình nữa.

        Nói xong, ông móc hết mấy lượng bạc ra cho thiếu phụ. Thiếu phụ quỳ xuống lạy tạ rối rít. Yết Đường cứu được hai mẹ con bà nọ, khoan khoái về nhà. Vợ ông ra đón mừng rỡ, hỏi thăm xong, nói ngay:

        – Thức ăn trong nhà đã cạn khô, ông về thật đúng lúc. Tiền dạy học được bao nhiêu cho tôi đong ít gạo, rồi nói chuyện sau.

        Yết Đường nhíu mày nói:

        – Còn đồng nào đâu! Chẳng giấu gì bà, giữa đường tôi gặp một thiếu phụ vì không cơm ăn, ném con bên đường rồi nhào xuống sông. Tôi cầm lòng không đậu, cho bà ta hết tiền rồi.

        Vợ ông nghe xong, rầu rĩ trách:

        – Ông thật hồ đồ! Cứu người là việc tốt nhưng cũng phải nhín lại chút ít để xài chớ! Đem cho hết người ta, bây giờ hai vợ chồng mình sắp sửa chết đói đây, biết có ai đến giúp không?

        Yết Đường bối rối đáp:

        – Tôi… tôi lúc đó thấy bà ta khổ quá, quên hết trơn, đâu có nhớ tới mình.

        Vợ ông than:

        – Thôi chẳng qua số ông mạt rệp, nói gì được nữa. May mà nhà còn sót lại ba thăng đậu, nấu ăn tạm rồi tính nữa.

        Yết Đường mừng rỡ ngẩn người:

        – Còn đậu sao? Vậy thì chưa kẹt lắm.

        Lúc hai vợ chồng đang tính toán việc nhà, chợt có một lão già đẩy cửa bước vào. Yết Đường nhìn lên, té ra là lão Trương ở khít vách, bèn gọi to:

        – A, ông Trương lâu ngày không gặp, ông có khỏe không?

        Già Trương lết bết bước tới, thở dài:

        – Ông anh! Già này ngóng ông dài cổ, tưởng chẳng còn được gặp. Đói kém thế này, tôi sống hết nổi rồi ông ơi!

        Ánh mắt lão thật đáng thương. Yết Đường ngậm ngùi:

        – Đáng lẽ dĩ nhiên là phải giúp nhau, nhưng giờ đây tôi chẳng còn một đồng nào, biết sao bây giờ?

        Rồi ông kể lại mọi chuyện cho lão nghe.

        Lão Trương chùi nước mắt nói:

        – Thế thì lão gia khốn khổ này, sanh mạng đã dứt rồi!

        Yết Đường bất nhẫn, quay sang vợ nói:

        – Lão gia đáng thương! Hay đem đậu chia ông ta một nửa đi bà!

        Bà vợ nguýt ông một cái, bước vào trong. Ông lật đật bước theo.

        Bà vợ tức tối nói:

        – Mình sắp chết đói đến nơi mà ông vẫn còn lo bá vơ.

        Yết Đường than:

        – Nếu mạng mình chưa chết, trời sẽ giúp. Còn nếu số chết đói, có thêm một ít đậu giỏi lắm cũng sống thêm hai ngày.

        Bà vợ vẫn vùng vằng, ông bèn tự tay đong hết một thăng rưỡi đưa cho già Trương. Già Trương khóc nức nở, cảm tạ mà đi.

        Vợ ông đợi già Trương đi khuất, quay lại cằn nhằn:

        – Ông cả đời vì người, chẳng nghĩ đến mình tí nào. Đã đến nông nỗi này mà vẫn chứng nào tật nấy. Tôi làm vợ ông, cũng chịu khổ theo ông. Thật là…

        Nói đến đây bà ngẹn ngào tức tưởi rồi òa lên khóc. Yết Đường phân bua, khuyên giải đủ điều. Vợ ông vẫn dàu dàu, uất ức, bỏ vào trong.

        Yết Đường bỗng cảm hứng nổi lên. Vợ ông đem đậu ra, ông chẳng đoái hoài, kiếm bút viết lên
vách một bài thơ:

Nhịn ăn, mai sáng lại trùm chăn
Tự thương bạn khó đến kêu van
Trong nhà còn có ba thăng đậu
Chia hai hàng xóm để cùng ăn.

        Qua ngày thứ hai, có một phú ông mắc bệnh, nghe tin ông rành y thuật, vội mời ông đến trị. Yết Đường hốt thuốc cho ông ta. Vừa uống xong khỏe ngay. Ngày hôm đó phú ông sai người cầm 100 lượng bạc đến Yết Đuờng để cảm tạ. Ông bảo vợ:

        – Tôi đã nói với bà, mạng chưa hết thì tự nhiên trời giúp. Bà coi đó, đúng không? Từ rày về sau bà đừng có hấp tấp nữa!

        Vợ ông thấy tiền đến rõ ràng, đổi buồn làm vui.

        Qua năm sau, vợ ông sanh một bé trai. Hai vợ chồng mừng rỡ vô cùng. Khi đứa bé được 6 tuổi, ông đích thân dạy dỗ trong mấy năm, bao nhiêu vốn liếng thi thơ, ông truyền hết cho con. Lại thêm đứa con thông minh, đĩnh ngộ, văn chương như gió lướt trên mặt nước, như nhả ngọc phun châu. Sau thi đỗ trạng nguyên. Lúc này Yết Đường cũng đã xấp xỉ lục tuần mà vẫn khỏe mạnh như thời niên thiếu. Con ông về nhà bái kiến cha mẹ, hai vợ chồng già thật là hoa lòng nở rộ. Người làng tranh nhau xem mặt tân trạng nguyên chật đường chật xá. Những người bình thường thọ ơn ông đều nói: “Trời cao có mắt”, ông Yết Đuờng làm lành như thế nên trời ban cho ông đứa con đỗ trạng vậy!

Hạnh Huệ
(dịch từ tập “Trung Hoa cố sự”)