BÀ TẨU BÀN ĐẬU PHÁP SƯ TRUYỆN

Phật Quang Đại Từ Điển

Có một quyển. Do ngài Chân Đế dịch vào đời Trần thuộc Nam Triều. Bà Tẩu Bàn Đậu là dịch âm từ tiếng Phạn:Vasubandhu, còn gọi là Bà Tẩu Bàn Đà, Phạt Tô Bàn Đậu, Bà Tu Bàn Đà. Bà Tẩu dịch là Thiên hoặc Thế, Bàn Đậu dịch là Thân, tức là Thiên Thân, Thế Thân. Thu vào Đại Chính Tạng tập 50. Nội dung sách này chép: quốc sư của nước Phú Lâu Sa Phú La thuộc bắc Ấn Độ xưa là Kiều Thi Ca có ba người con đều gọi là Bà Tẩu Bàn Đậu, tên riêng của người con cả là A Tăng Già (dịch là Vô Trước), tên riêng của người con thứ ba là Tỉ Lân Trì Bạt Bà, chỉ một mình người thứ hai (Thế Thân) là gọi theo tên chung Bà Tẩu Bàn Đậu mà được nổi tiếng. Cả ba anh em đều xuất gia theo Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ, về sau Vô Trước, Thế Thân chuyển sang Đại Thừa và trở nên những người khai sáng Du Già Hành phái của Phật giáo Đại thừa. Sách này chủ yếu tóm tắt truyện về hai ngài Vô Trước và Thế Thân.