bà la phù đồ

Phật Quang Đại Từ Điển

(婆羅浮屠) (BOROBUDUR) Dịch ý là Tinh Xá trên núi. Cũng gọi là Ba La Phù Đồ, Xà Bà La Phù Đồ. Là Thánh địa Phật giáo cực kì tráng lệ, ở thôn Bà La Phù Đồ thuộc Mã Cát Lãng, Trung Bộ Đảo Java của Ân Ni (Indonesia), có thể sánh ngang với Vạn Lí Trường Thành ở Trung Quốc, Kim Tự Tháp của Ai Cập, Đế Thiên Đế Thích ở Cao Miên, lăng Thái Cơ Ma Cáp (Taj Mahal) ở Ấn Độ, là một trong những kiến trúc vĩ đại của thế giới. Công trình này được xây dựng vào thế kỉ thứ IX Tây lịch, dưới triều vua Tái Lãng Độ Lạp Tư, trải tám mươi năm mới hoàn thành. Bản thân kiến trúc là một bậc thềm giống như Kim Tự tháp. Bề dài bề ngang đều một trăm hai mươi ba mét, cao bốn mươi hai mét, sau vì ngọn tháp nhọn Đại Phật khám bị sét đánh đổ, nên nay độ cao chỉ còn là ba mươi mốt mét rưỡi, chia thành mười tầng. Hình thức kiến trúc biểu lộ sự kết hợp giữa Phật giáo Đại thừa và Mật giáo, toàn bộ kiến trúc cũng như một Mạn Đồ La vĩ đại, dưới rộng trên nhọn, không có cửa ra vào, đàn tế và chỗ ngồi cố định. Là chùa lộ thiên, phân biệt tầng trên, tầng giữa, tầng dưới, tượng trưng cho Vô sắc giới, Sắc giới, Dục giới: tầng nền bằng với mặt đất, do một trăm sáu mươi khối đá bản điêu khắc nổi miêu tả Dục giới cấu thành, dùng thủ pháp có tính hí kịch để biểu hiện sự làm ác ở hạ tầng, đậm đà ý vị quả báo thiện ác khuyên răn người đời Thuận theo phương hướng, quanh co trùng Toàn cảnh Tháp Phật ở Bà La Phù Đồ Điệp, đi vòng thang nền mà lên, cộng là năm tầng; trên vách đá đường hành lang của mỗi tầng, trải khắp hơn một nghìn ba trăm tấm đá khối chạm nổi, đại biểu Sắc giới, trên đó khắc hai nghìn sáu trăm bức tranh sự tích bản sinh của Phật, và tượng Phật chạm trổ, lấy thể tài khác nhau trong các kinh điển Đại thừa, như kinh Đại Nghiệp Phân Biệt, kinh Phổ Diệu, kinh Bản Sinh Man, cộng tất cả dài đến năm cây số và chỉ có búa quỉ, thợ thần mới có thể nói hết được cái trân quí của nghệ thuật điêu khắc. Cứ cách vài bước lại có một Phật Khám, trong đặt một tượng Phật ngồi Thiền, tất cả có bốn trăm hai mươi vị. Lại hướng thượng đi lên, chùa đột nhiên từ vuông biến ra tròn, phong cách chạm trổ cũng từ mĩ lệ chuyển sang chất phác. Trên nền ba tầng hình tròn, có bảy mươi hai tòa tháp Phật nhỏ bằng đá giống như cái chõ, trong mỗi tháp đều có một tượng Phật ngồi xếp bằng, các Phật tháp này, như các vì tinh tú chầu về mặt trăng, đi vòng quanh đức Phật Thích Ca Mâu Ni ngồi trong tháp một tầng hình lọng cao nhất, tất cả cấu thành Vô Sắc giới. Toàn bộ kiến trúc, cộng tất cả có năm trăm lẻ năm pho tượng Phật lớn nhỏ, thủ pháp chạm trổ phần nhiều noi theo cách thức từ thời đại Cấp Đa, nét chạm trổ rất tinh khéo. Đứng về phương diện qui mô mà nói, thì không những thời bấy giờ, mà cả ngày nay nữa, đây là một kiến trúc Phật giáo lớn nhất thế giới. Năm 1006, núi lửa Ma Lạp Thất bộc phát, đưa đến động đất có tính hủy diệt, tro bụi núi lửa rơi xuống che lấp Bà La Phù Đồ khiến bị bỏ quên trong tám trăm năm, nhưng cũng may, nhờ thế mà tránh được tai họa bị cướp bóc đập phá khi Hồi giáo truyền vào Java. Năm 1814, phó Tổng đốc Java là Thang Ma Sĩ Lai phất sĩ bắt đầu sửa sang trên qui mô nhỏ, công việc sửa sang tuy kéo dài hơn một trăm năm, nhưng vì qui mô không lớn nên không có hiệu quả rõ rệt. Năm 1973, được tổ chức văn hóa, giáo dục và khoa học của Liên Hiệp Quốc tài trợ kinh phí, mới bắt đầu trên qui mô lớn sửa chữa để bảo trì cái di sản văn hóa quí báu này của nhân loại, đến nay công việc đã hoàn thành và mở cửa toàn bộ cho du khách tham quan. Nhưng rất bất hạnh, ngày 21-1-1985, bọn côn đồ chống chính phủ Indonesia, đã đặt mười một quả lựu đạn trong tháp Phật, chín quả phát nổ, phá hủy chín tòa tượng Phật ngồi rất quí.