BA LA NẠI QUỐC

Phật Quang Đại Từ Điển

Ba-la-nại, Phạm: Vàràịasì hoặc Vàraịasì, Varàịasì, Varaịasì, Pàli: Bàràịasì. Là một vương quốc cổ tại trung Ấn Độ. Còn gọi là Ba-la-nại quốc, Ba-la-ni-tư quốc, Ba- la-nại-tả quốc. Các nhà dịch cũ phiên là Già-thi-quốc (Phạm: Kàzi). Đời gần đây gọi là Bái-na-lạp-tư (Benares), tức nay là Ngõa-lạp-na-tây (Varanasi). Cứ theo Đại Đường Tây Vực Kí quyển 7 chép, thì đô thành nước này gần sông Hằng về phía tây, dài chừng mười tám, mười chín dặm, rộng năm, sáu dặm. Dân cư đông đúc, tính người hòa nhã cẩn trọng, đa số tin ngoại đạo, ít người kính Phật pháp, tăng đồ phần nhiều học pháp nghĩa của Chính lượng bộ Tiểu thừa. Ở mạn đông bắc đô thành là sông Bà-la-nê (Phạm: Varaịà), phía tây sông có tháp vua A-dục, cách sông hơn mười dặm về phía đông bắc có nền cũ, nơi thụ kí cho Bồ tát Di Lặc và Bồ tát Hộ Minh, phía tây bắc thành là vườn Lộc Dã, nơi đức Phật nói pháp lần đầu tiên sau khi thành đạo độ cho năm vị Tỉ-khưu, từ đó về sau, Phật thường đến đây giáo hóa chúng sinh, đây là một trong sáu nơi thuyết pháp lớn, nay trong thành có đến cả nghìn ngôi đền thờ của Ấn Độ giáo, nổi tiếng nhất trong số đó là đền vàng. Xưa kia, tại đất này học thuật hưng thịnh, cùng với Đán-xoa-thủy-la (Phạm: Takwasilà) ở bắc Ấn Độ đều là đất trung tâm của Bà-la-môn giáo học, khi ngài Huyền Trang du lịch đến đây thì phái Thấp Bà thịnh hành.

Sau cuộc xâm lăng của Hồi giáo vào năm 1194 Tây lịch, Phật giáo cơ hồ tuyệt tích. Ngày nay, thành Ba-la-nại không những chỉ là Thánh địa của Ấn Độ giáo, mà cũng còn là Thánh địa của Phật giáo và Kì-na giáo nữa. Sản phẩm nổi tiếng của nước này ngày xưa là vải bông, và áo Ba-la-nại (Phạm: Bàràịa) trứ danh đã được sản xuất tại đây. [X. kinh Tạp A Hàm Q.23; kinh Phật Bản Hạnh Tập Q.33; Thiện Kiến Luật Tì-bà-sa Q.6; luận Đại Trí Độ Q.3; Tuệ Lâm Âm Nghĩa Q.10].