bà la môn

Phật Quang Đại Từ Điển

(婆羅門) Phạm: Bràhmaịa. Còn gọi là Bà La Ha Ma Nô, Bà La Hấp Mạt Nô, Một La Hám Ma. Dịch ý là Tịnh Hạnh, Phạm Hạnh, Phạm Chí, Thừa Tập. Là tăng lữ ở địa vị cao nhất trong bốn giai cấp ở Ấn Độ, giai cấp học giả. Là giai cấp lũng đoạn tất cả tri thức ở Ấn Độ xưa, tự nhận là giai cấp hơn hết trong xã hội Ấn Độ. Trường A Hàm quyển 6 kinh Tiểu Duyên, quyển 15 kinh Chủng Đức, Tuệ Lâm âm nghĩa quyển 29, đều chép là giai cấp này từ miệng Phạm thiên sinh ra, hình tướng đẹp đẽ, trong sạch cao thượng, lấy việc học tập kinh Phệ Đà và trông nom việc tế tự làm nghề nghiệp. Theo qui định của Ma Nô Pháp Điển, Bà la môn trong bốn chủng tính có sáu pháp, là học tập kinh Phệ Đà, dạy kinh Phệ Đà, tế lễ cho mình, tế lễ cho người khác, bố thí, nhận của bố thí. Trong bốn chủng tính, trừ chủng tính Thủ Đà La thấp nhất ra, còn ba chủng tính kia đều được tụng kinh Phệ Đà, tự tế lễ cho mình, nhưng làm thầy tế lễ cho người khác, dạy Phệ Đà cho người khác và nhận của bố thí, thì chỉ có Bà la môn được quyền làm mà thôi. Một đời của người Bà la môn chia làm bốn thời kì: 1. Thời kì Phạm Hạnh (Phạm: Brahma-càrin), tám tuổi đi theo thầy, sau đó, trong mười hai năm, học kinh Phệ Đà, tập các nghi thức tế lễ. 2.Gia Trụ(Phạm: Gfha-stha), là thời kì về nhà lấy vợ sinh con, thờ tổ tiên, lo việc đời. 3. Thời kì Thê Lâm (Phạm: Vànaprastha), lúc tuổi già, giao gia sản lại cho con và vào rừng tu khổ hạnh, chuyên tâm tư duy, sống cuộc đời tôn giáo. 4.Thời kì Độn Thế(Phạm: Saônyàsin), dứt sự ham đắm thế tục, mặc áo thô, mang bình nước, chu du khắp nơi. Những hành pháp của Bà la môn trong thời kì Độn Thế (trốn đời), về sau được Phật giáo thu dụng rất nhiều, như du hành, khất thực, ở yên trong mùa mưa (hạ an cư) v.v…, bằng chứng là những người Bà la môn trong thời kì này được gọi là Tỉ Khưu (Phạm: bhikwu), Sa Môn (sramaịa), Người Du Phương (parivràjaka). Kinh Tạp A Hàm quyển 17, quyển 19, Trung A Hàm quyển 48 kinh Mã Ấp, kinh Tăng Nhất A Hàm quyển 47, lại cho sa môn và Bà la môn là đồng nghĩa. Trường A Hàm quyển 16 kinh Tam Minh, có liệt kê những người Bà la môn tụng trì kinh Phệ Đà, là: A Tra Ma, Bà Ma, Bà Ma Đề Bà, Bà Bà Tất, Tì Bà Thẩm, Y Ni La Tư, Xà Bà Đề Già, Ca Diếp, A Lâu Na, Cù Đàm Ma, Thủ Chi, Bà La Tổn Đà v.v… Luận Du Già Sư Địa quyển 29, lại chia Bà la môn thành ba loại: 1. Người sinh vào nhà Bà la môn chủng, gọi là Chủng tính Bà la môn. 2. Người giả xưng Bà la môn, gọi là Danh tưởng Bà la môn. 3. Người trừ bỏ các pháp ác mà làm các điều thiện, gọi là Chính hành Bà la môn. [X. kinh Tạp A Hàm Q.4; Trường A Hàm Q.5 kinh Điển Tôn; kinh Tăng nhất A Hàm Q.11, Q.46; Kim Cương Châm luận; luận Thành Thật Q.7 phẩm Tam Nghiệp; luận Đại Tì Bà Sa Q.77; Huyền Ứng âm nghĩa Q.18]. (xt. Tứ Tính, Phạm Chí).