ba la mật

Phật Quang Đại Từ Điển

(波羅蜜) Phạm: Pàramità, Pàli: Pàramì hoặc Pàramità. Tức là từ bờ sống chết cõi mê bên này mà đến bờ Niết bàn giải thoát bên kia. Còn gọi là Ba-la-mật-đa, Ba-la-nhĩ-đa. Dịch ý là Đáo bỉ ngạn, Độ vô cực, Độ, Sự cứu kính. Thông thường, nói về sự tu hành của Bồ tát, đại hạnh của Bồ tát có khả năng hoàn thành tất cả mọi việc lợi mình lợi người một cách mĩ mãn rốt ráo, cho nên gọi là Sự cứu kính. Làm theo hạnh lớn ấy mà có thể từ bờ sống chết bên này đến được bờ Niết bàn bên kia, cho nên gọi là Đáo bỉ ngạn. Hạnh lớn ấy có khả năng cứu giúp mọi loài một cách bao la vô hạn, cho nên gọi là Độ vô cực. Tiếng Phạm: Pàramità, có các nghĩa: đến bờ bên kia, trọn vẹn, đầy đủ; tiếng Pàli: Pàramì, thì có các nghĩa: tối thượng, chung cực. Đối với Ba-la-mật, các nhà phiên dịch, giải thích, mỗi nhà có cách nói riêng. Cứ theo kinh Di Lặc Bồ Tát Sở Vấn chép, thì Ba-la-mật thông cả nghĩa đã đến và sẽ đến, tức là Phật đã đến bờ bên kia, còn Bồ tát thì sẽ đến bờ bên kia. Cứ theo Nhiếp Đại Thừa Luận Thích quyển 9 (bản dịch đời Lương) chép, thì Đáo bỉ ngạn có ba nghĩa khác nhau: 1. Tùy chỗ tu hành mà đạt đến vô dư rốt ráo. 2. Vào chân như, vì chân như là cùng tột, cũng như các dòng sông đổ vào biển cả là chung cực. 3. Được quả vô đẳng, không quả nào khác hơn được quả này, bởi vì các pháp mà Bồ tát tu hành, cái lí mà Bồ tát thâm nhập và cái quả mà Bồ tát chứng đắc, đều là rốt ráo, tròn đầy. Lại cứ theo kinh Giải Thâm Mật quyển 4 chép, thì Ba-la-mật-đa có năm nhân duyên, tức là không nhiễm trước, không luyến tiếc, không tội lỗi, không phân biệt và không quay trở lại. Cứ theo kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương quyển 4 chép, thì Ba-la-mật có mười bảy nghĩa, như tu tập thắng lợi, không dính dấp điều gì, không cố chấp thiên kiến, không hệ lụy v.v… Cứ theo kinh Đại Bảo Tích quyển 53 chép, thì Ba-la-mật có mười hai nghĩa, chẳng hạn như biết được tất cả các pháp lành vi diệu có khả năng đến bờ bên kia, trong các pháp môn sai biệt của tạng Bồ Tát, an trụ nơi chính nghĩa v.v…Còn về thuyết bờ bên này, bờ bên kia thì giữa các sự cũng có những ý kiến khác nhau. Cứ theo Đại Thừa Nghĩa Chương quyển 12 mục lục Ba-la mật chép, thì :1. Sống chết là bờ bên này, Niết bàn rốt ráo là bờ bên kia.2. Sống chết Niết bàn có hình tướng là bờ bên này, bình đẳng không hình tướng là bờ bên kia. Cứ theo Đại Phẩm Kinh Du Ý chép, thì: 1. Tiểu thừa là bờ này, Đại thừa là bờ kia. 2. Ma là bờ này, Phật là bờ kia. 3. Thế gian là bờ này, Niết bàn là bờ kia. Còn Thành luận sư thì bảo hữu tướng là bờ này, vô tướng là bờ kia; sống chết là bờ này, Niết bàn là bờ kia; phiền não (hoặc) là bờ này, chủng trí là bờ kia. Theo các kinh luận thì có sáu Ba-la-mật, mười Ba-la- mật và bốn Ba-la-mật khác nhau. 1. Sáu Ba-la-mật, còn gọi là sáu độ, là thuyết của các bộ kinh Bát nhã; chỉ sáu hạnh tu mà Bồ tát Đại thừa phải thực hiện. Đó là: a. Bố thí Ba-la-mật, còn gọi là Đàn-na (Phạm, Pàli: dàna) ba-la-mật, Đàn-na-ba la-mật, có nghĩa là bố thí hết cả, không sẻn tiếc vật gì.b. Trì giới Ba-la-mật, còn gọi là Thi-la (Phạm:zìla) ba-la-mật, có nghĩa là giữ gìn giới luật của giáo đoàn một cách trọn vẹn. c. Nhẫn nhục Ba-la-mật, còn gọi là Sằn-đề (Phạm: kwànti) Ba-la-mật, hàm ý là triệt để nhịn nhục. d. Tinh tiến Ba-la-mật, còn gọi là Tì-lê-da (Phạm: vìrya) Ba-la-mật, hàm ý là cố gắng hết mức. e. Thiền định Ba-la-mật, còn gọi là Thiền-na (Phạm: dhyàna) Ba-la-mật, có nghĩa là hoàn toàn để tâm vào một cảnh. f. Trí tuệ Ba-la-mật, còn gọi là Bát-nhã (Phạm: prajĩà) Ba-la-mật, Tuệ Ba-la-mật, Minh độ, Minh độ vô cực, có nghĩa là trí tuệ tròn đầy, là trí tuệ không phân biệt, siêu việt lí tính của con người. Y vào Bát nhã ba-la-mật thì có thể làm việc bố thí mà hoàn thành Bố thí Ba-la-mật, cho đến tu Thiền định mà hoàn thành Thiền định Ba-la-mật, vì thế, Bát nhã ba-la-mật là gốc của năm Ba-la-mật kia và được mệnh danh là mẹ của chư Phật. 2. Mười Ba-la-mật, còn gọi là mười độ, mười thắng hạnh, là thuyết trong kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương phẩm Tối Tịnh Địa-đà-la-ni. Thêm bốn Ba-la- mật dưới đây vào sáu Ba-la-mật kể trên thì thành mười Ba-la-mật,đó là: a. Phương tiện Ba-la-mật, còn gọi là Âu-ba-da (Phạm: Upàya) Ba-la-mật, chỉ các phương pháp khéo léo cứu giúp chúng sinh. b. Nguyện Ba-la-mật, còn gọi là Bát-la-ni-đà-na (Phạm: Praịidhàna) Ba-la-mật, có nghĩa là thệ nguyện cứu giúp chúng sinh sau khi đã được trí tuệ (tức bồ-đề). c. Lực Ba-la-mật, còn gọi là Ba-la (Phạm: Bala) Ba-la-mật, nghĩa là cái năng lực có thể phán đoán điều mình tu hành một cách hoàn toàn chính xác. d. Trí Ba-la-mật, còn gọi là Nhã-na (Phạm: Jĩàna) Ba-la-mật, có nghĩa là thụ hưởng niềm vui Bồ đề, đồng thời, chỉ dạy chúng sinh được trí tuệ siêu việt. 3. Bốn Ba-la-mật, là thuyết trong các chương Điên đảo, Chân thực của kinh Thắng man. Tức là: a. Thường Ba-la-mật, nghĩa là Ba-la-mật triệt để vĩnh viễn.b. Lạc Ba-la-mật, nghĩa là Ba-la mật triệt để an ổn. c. Ngã Ba-la-mật, nghĩa là Ba-la mật có tính chủ thể triệt để. d. Tịnh Ba-la-mật, nghĩa là Ba-la-mật triệt để thanh tịnh. Bốn Ba-la-mật trên đây tức là bốn đặc chất (bốn đức) thù thắng của Niết bàn. 4. Mật giáo, trong Kim cương giới mạn đồ la lấy Đại nhật Như lai làm trung tâm, gọi bốn Bồ tát đặt ở bốn phương đông nam tây bắc là bốn Ba-la-mật, tức Đông phương Kim cương ba-la-mật, Nam phương Bảo ba-la-mật, Tây phương Pháp ba-la-mật, Bắc phương Nghiệp ba-la-mật. Ngoài ra, trong các kinh điển tiếng Pàli Nam truyền, như Sở-hành-tạng (Pàli: Cariyàpiỉaka), Phật-chủng-tính (Pàli: Buddhavaôsa), Pháp-cú-kinh-chú (Pàli: Dhammapadaỉỉhakathà) v.v…, cũng lập mười Ba-la-mật là: Bố thí Ba-la-mật, Trì giới (Pàli: sìla) Ba-la-mật, Xuất li (Pàli: nekkhamma) ba-la-mật, Bát nhã (Pàli: paĩĩa) ba-la-mật, Tinh tiến (Pàli: viriya) ba-la-mật, Nhẫn nhục (Pàli: khanti) ba-la-mật, Chân đế (Pàli: sacca) ba-la-mật, Quyết ý(Pàli: adhiỉỉhàna) ba-la-mật, Từ (Pàli: mettà) ba-la-mật và Xả(Pàli: upekkhà) ba-la-mật. [X. kinh Bồ tát nội tập lục ba-la-mật; kinh Quán Phổ Hiền Bồ Tát hành pháp; kinh Hoa Nghiêm phẩm Li Thế Gian; luận Đại Trí Độ Q.53; luận Câu Xá Q.18; luận Du Già Sư Địa Q.49; Đại Tuệ Độ Kinh Tông Yếu; Nhân Vương Hộ Quốc Bát Nhã kinh sớ Q.1 (Trí khải); Nhân Vương Hộ Quốc Bát Nhã Ba-la-mật-đa kinh sớ Q.thượng (Lương bí); Bát nhã ba-la mật-đa kinh tán].