ba la di

Phật Quang Đại Từ Điển

(波羅夷) Phạm, Pàli: pàràjika. Là một trong những giới Cụ túc mà một phần lan can ở Ba hách đặc Tỉ-khưu, Tỉ-khưu-ni phải giữ. Là giới căn bản cực ác trong giới luật. Còn gọi là Ba-la-xà-dĩ-ca, Ba-la-thị-ca. Dịch ý là tha thắng, cực ác; trọng cấm, đọa, đọa bất như, đoạn đầu, vô dư, khí. Là tội gốc trong giới luật. Cũng gọi là Biên tội. Là một trong năm thiên, một trong sáu tụ, một trong bảy tụ. Người tu hành nếu phạm giới này thì: 1. Mất tư cách Tỉ-khưu, Tỉ-khưu-ni, không có phần trong đạo quả. 2. Bị giáo đoàn trục xuất, không được ở chung với tăng.3. Sau khi chết rơi vào địa ngục. Tội này cũng giống như tội hình bị chặt đầu, không sống lại được, vĩnh viễn bị đuổi ra ngoài cửa Phật, nên gọi là cực ác. Lại tội này hay phá giới thể của sa môn, khiến người ấy rơi xuống, bọn ma chắc thắng thế, nên gọi là tha thắng; pháp lành gọi là mình, pháp ác gọi là người, vì pháp ác thắng pháp lành, nên phạm tội này gọi là tha thắng tội. Bốn-Ba-la-di của Tỉ-khưu là chỉ bốn tội: giết hại, trộm cướp, dâm dục, nói dối; Tỉ-khưu-ni thì ngoài bốn tội trên đây còn thêm bốn tội nữa là: vuốt ve, tám việc thành tội nặng, che dấu tội nặng cho Tỉ-khưu- ni khác, về hùa với Tỉ-khưu đã bị xử tội mà ni đoàn can gián ba lần không nghe, tất cả tám Ba-la-di. Bốn tội Ba-la-di của Tỉ-khưu giới và tám tội Ba-la-di của Tỉ-khưu-ni giới, gọi chung là bốn nặng tám nặng. Trong giới Đại thừa, tội Ba-la-di của Bồ-tát khác với Tiểu thừa, hơn nữa, trong các kinh luận nói cũng có chỗ bất đồng. Như kinh Bồ tát anh lạc bản nghiệp lấy mười tội: giết hại, trộm cướp, dâm dục, nói dối, bán rượu, nói xấu bốn chúng, khen mình chê người, keo kiệt bỏn sẻn, nóng giận không chịu hối cải, chê bai Tam bảo, lập thành mười tội Ba-la-di. Kinh Đại Nhật quyển 6 phẩm Thụ phương tiện học xứ, lấy bốn pháp: chê bai các pháp, lìa bỏ tâm Bồ-đề, keo kiệt, não hại chúng sinh, làm bốn tội căn bản. Đại Nhật kinh sớ quyển 17 thì, ngoài bốn pháp kể trên ra, thêm sáu giới nữa là: không chê tất cả kinh pháp ba thừa, đối với tất cả pháp không sinh tâm keo kiệt, không được tà kiến, đối trước người phát tâm lớn khuyên họ phát tâm không để họ trở lui, đối trước người Tiểu thừa, nếu chưa xét kĩ căn cơ thì không được nói pháp lớn và các việc làm bố thí v.v… mà gọi chung là mười trọng giới của Bồ-tát. [X. luật Thập Tụng Q.1; luật Ma-ha-tăng-kì Q.2; Hữu Bộ-tì-nại-da Q.1; luật Ngũ Phần Q.17, Q.23; Thiện Kiến Luật Tì Bà Sa Q.7]. (xt. Thập Giới, Tứ Trọng Bát Trọng , Chế Tài, Luật).