BA LA ĐỀ MỘC XOA

Phật Quang Đại Từ Điển

Phạm: Pràtimokwa hoặc Pratimokwa, Pàli: Pàỉimokkha hoặc Pàtimokkha. Chỉ các giới luật mà bảy chúng phải giữ gìn để phòng ngừa các tội lỗi do bảy chi thân khẩu gây ra, để xa lìa các phiền não hoặc nghiệp mà được giải thoát. Còn gọi là Ba-la -đề-tì-mộc-xoa, Ban-la-để-mộc-xoa, Bát-lạt-để-mộc-xoa. Dịch ý là Tùy thuận giải thoát, Xứ xứ giải thoát, Biệt biệt giải thoát, Biệt giải thoát, Tối thắng, Vô đẳng học. Giới này để giữ gìn các căn, nuôi lớn các pháp lành, là cửa đầu tiên (Phạm: pramukha, Pàli: pamukha) trong các pháp lành, cho nên gọi là Ba-la-đề-mộc-xoa. Nếu giữ giới thì có thể dứt bỏ được sự trói buộc của hoặc nghiệp, được trí tuệ vô lậu thanh tịnh, là bậc nhất trong các cái học của thế gian, vì thế nên gọi là Vô đẳng học. Như Thiện Kiến Luật Tì Bà Sa quyển 7 (Đại 24, 719 thượng), nói: Trong các ánh sáng, ánh sáng mặt trời là chúa, trong các núi, núi Tu di là vua, trong tất cả cái học của thế gian, Ba la đề mộc xoa là đầu (…) vì thế mà Phật chế Vô đẳng học. Lại giới luật có khả năng thuận theo cái quả của hai loại giải thoát hữu vi, vô vi, cho nên cũng gọi là Tùy thuận giải thoát. Giới này bao gồm tám loại là: Ba-la-di, Tăng-tàn, Bất định, Xả đọa, Đơn đọa, Ba-la-đề-đề-xá-ni, Chúng học và Diệt tránh pháp.

Ngoài ra, Giới bản, do thu tập các điểu mục giới pháp mà cấu thành, được các Tỉ-khưu sử dụng trong ngày Bố tát sám hối mỗi nửa tháng, nếu có người phạm giới thì vào ngày ấy, phải đối trước vị Tỉ-khưu Thượng tọa tụng các giới điều và chúng tăng để giải bày sám hối. [X. kinh Đại ban Niết Bàn Q.hạ; kinh Tì Bà Thi Phật Q.hạ; kinh Phạm Võng Q.hạ; luật Ngũ Phần Q.18; Thiện Kiến Luật Tì Bà Sa Q.18]. (xt. Biệt Giải Thoát Luật Nghi).