BA LA ĐẠT TẾ

Phật Quang Đại Từ Điển

ba la đại tế

Là lễ tiết hàng năm trọng yếu nhất của Phật giáo tại Bhutan. Ba-la (Paro) là đô thị lớn thứ hai tại Bhutan, là cung mùa hạ của nhà vua, nằm trong hang núi, trong đó có ngôi chùa Đan Tông khách thiền đã có bốn trăm năm lịch sử, là trung tâm tôn giáo trên toàn quốc. Hằng năm đến tháng tư, cử hành đại lễ bốn ngày liên tiếp kỉ niệm Liên-hoa-sinh (Phạm: Padma Saôbhàva), một nhân vật truyền kì trong lịch sử Phật giáo Bhutan. Ngài Liên-hoa-sinh nguyên là người nước Ô Trượng Na ở Ấn Độ, giữa thế kỷ thứ VIII, Ngài đến Tây Tạng truyền pháp, hai lần lưu lại Bhutan, đem Phật giáo hòa làm một với tín ngưỡng địa phương, khai sáng ra phái Hồng giáo, dùng thần chú Đà-la-ni dẹp trừ tai nạn và ma quái, có thần thông lớn, được nhân dân ở Tây Tạng và Bhutan xem như là hóa thân của Bồ tát Quán Thế Âm vậy.

Mỗi lần đến tiết Ba La, Lạt-ma đem treo thản tạp lên tường chùa để nhân dân các địa phương đến lễ bái. Thản tạp là hình tượng của Ngài Liên-hoa-sinh được thêu trên bức gấm lớn, rộng sáu trăm mét vuông, là nghệ thuật phẩm Phật giáo dệt bằng gấm to nhất thế giới, đã có ba trăm năm lịch sử, ngoài hình tượng Liên-hoa-sinh ra, còn vẽ các hình tượng trưng cho vận may và sự tốt lành. Khi tín đồ đi qua Thản tạp, đưa trán chạm vào Thản tạp để tỏ lòng tôn sùng. Trong thời gian lễ mừng, có các tiết mục như khoa đàn, cầu nguyện, tụng kinh lễ bái, do vị Lạt-ma chủ trì. Mãi đến sáng ngày sau chót, Thản tạp mới được thu quấn xuống và kết thúc lễ mừng. (xt. Bất Đan Phật Giáo).