BÀ GIÀ BÀ

Phật Quang Đại Từ Điển

Phạm: Bhagavat.

I – Bà Già Bà. Một trong các hiệu chung của chư Phật. Cũng gọi là Bạc Già Phạm, Bà Già Phạm, Bà Già Bạn, Bạc A Phạm, Bà Nga Phạ Đế, Bà Nga Phạ Để, Bạc Già Bạt Đế. Dịch ý là có đức, có công đức lớn, có thanh danh, giúp mọi người, khéo phân biệt, hay phá, Thế Tôn. Tức hàm ý là bậc có đầy đủ mọi đức, được người đời tôn trọng cung kính. Cũng tức là tôn xưng đức Phật. Về ngữ nghĩa của Bà Già Bà, thì trong các kinh luận, như luận Đại Trí Độ quyển 2, Phật Địa Kinh Luận quyển 1, luận Pháp Uẩn Túc quyển 2 phẩm Chứng Tịnh v.v… đều có dẫn dụng hoặc giải nghĩa. Lại cứ theo Phật Địa Kinh Luận quyển 1, Huyền ứng Âm nghĩa quyển 3 chép, thì Bà Già Bà (Bạc Già Phạm) bao nhiếp mọi đức, bởi thế mà được đặt ở đầu các kinh. Đây tức chi chữ Phật, dịch từ Bà Già Bà, trong Như thị ngã văn, nhất thời Phật tại… đặt ở đầu các kinh. Như thế đủ biết từ ngữ Bà Già Bà được người ta biết rất rộng rãi. Ngoài ra, Bà Già Bà vốn không có nghĩa Thế Tôn, tiếng Thế Tôn thông thường ai ai cũng hiểu một cách dễ dàng, bởi vậy, từ xưa tới nay, các nhà phiên dịch phần nhiều đều cho đó là dịch ý từ tiếng Bà Già Bà. Lại cứ theo Phật Địa Kinh Luận quyển 1 chép, thì Bạc Già Phạm có sáu nghĩa, đó là: 1. Nghĩa tự tại, 2. Nghĩa xí thịnh, 3. Nghĩa đoan nghiêm, 4. Nghĩa danh xưng, 5. Nghĩa cát tường, 6. Nghĩa tôn quí. Lại kinh Niết Bàn (bản Bắc) quyển 18 thì bảo Bà Già Bà có bảy nghĩa, tức là: 1. Hay phá phiền não, 2. Hay thành tựu các pháp lành, 3. Khéo hiểu các pháp nghĩa, 4. Có công đức lớn, không ai hơn được, 5. Có thanh danh lớn, truyền khắp mười phương, 6. Có thể thực hiện những việc huệ thí lớn, 7. Trong vô lượng a tăng kì kiếp không phải chịu nữ căn, bỏ hết sạch các phiền não xấu ác. Ngoài ra, thông thường, người Ấn Độ cũng dùng từ ngữ Bà Già Bà để tôn xưng Thần tiên, quí nhân, trong trường hợp ấy, Bà Già Bà có đủ sáu nghĩa: tự tại, chính nghĩa, li dục, cát tường, danh xưng, giải thoát v.v… (xt. Thế Tôn).

II – Bà Già Bà. Một trong ba mươi bảy hiệu của đức Phật A Di Đà. Trong Tán A Di Đà Phật kệ có câu: Ngã đính lễ Bà Già Bà, tức lấy hiệu chung của chư Phật mà đặt tên, vì Bồ Tát trong mười phương cung kính tán thán công đức rộng lớn vô biên của Phật A Di Đà, nên mới dùng Bà Già Bà là từ có đầy đủ ý vị của công đức lớn để ca tụng Phật A Di Đà. [X. kinh Tăng Nhất A Hàm Q.14; Bách Luận Q.thượng; luận Du Già Sư Địa Q.38; Đại Thừa Nghĩa Chương Q.20 phần cuối; Dị Bộ Tôn Luân Luận Thuật Kí; Phiên Phạm Ngữ Q.1].