BÁ DU BÁT ĐA

Phật Quang Đại Từ Điển

Phạm:Pàzupata. Còn gọi là Ba Du Bát Đa. Dịch ý là Thú chủ ngoại đạo. Hoặc gọi là Đồ khôi ngoại đạo, Ngưu chủ ngoại đạo. Là một trong các ngoại đạo ở Ấn Độ xưa. Ngoại đạo này thờ trời Đại Tư Tại (còn gọi là Ma hê thủ la thiên, trời này cưỡi bò mà đi), coi là thần sáng tạo muôn vật, học pháp của trời này và lấy đó làm chủ. Vì trời Đại Tự Tại còn được gọi là Thú Chủ (chủ các thú vật,Pazupati), cho nên ngoại đạo này còn có tên là Ngưu Chủ ngoại đạo, Thú Chủ ngoại đạo.

Vì mong cầu được sinh lên cõi trời Đại Tự Tại mà Bá Du Bát Đa tu khổ hạnh, lấy tro trát lên người, dùng trấu (vỏ hạt thóc) nấu nước uống, giết dê tế trời, giữ các giới bò, chó, gà, chim trĩ, cho đó là cái nhân của sự giải thoát. Kinh Đại bát Niết bàn (bản Bắc) quyển 16 (Đại 12, 462 thượng), nói: Không ăn muối, không ăn thịt bò (…) trước khi giết dê để tế, đọc chú rồi mới giết, bốn tháng thờ lửa, bảy ngày cúng gió, trăm nghìn ức hoa cúng dường các trời, nhờ thế những điều mong cầu đều được thành tựu. [X. Câu xá luận quang kí Q.9; Huyền ứng âm nghĩa Q.23, Q.24, Đại nhật kinh sớ chỉ tâm sao Q.8].