Ba-đra-Pa

Từ Điển Đạo Uyển

S: bhadrapa; còn mang biệt hiệu là “Bà-la-môn kiêu mạn”;

Một trong 84 vị Tất-đạt Ấn Ðộ, được xem là sống trong thế kỉ thứ 10.

Ông là một Bà-la-môn quý tộc, sống một cuộc đời sung túc. Ngày nọ lúc
đang tắm thì có một Du-già sư (s: yogin) đến khất thực. Ông lên tiếng
chê bai vị này dơ bẩn thì nghe trả lời:

Thầy tu như hoàng đế,

Không ai bằng Bồ Tát.

Muốn sạch Thân, khẩu ý,

Ðạo sư dòng giáo hoá,

mới cho sự thanh tịnh,

Tắm rửa thân thể ư?

không mang lại điều gì.

Tâm thức vô sở cầu

là bữa tiệc linh đình

là bữa ăn ngon nhất,

đâu phải sữa, đề hồ.

Những lời đó chấn động tâm tư ông nhưng vì ngại quyến thuộc, ông không
cho vị Du-già sư vào nhà mà xin gặp lại ngay tối hôm đó. Vị Du-già sư
đòi ông mang theo rượu thịt, thứ mà người theo đạo Bà-la-môn phải tránh
xa. Mới đầu ông từ chối nhưng cuối cùng nghe lời, ông cùng ăn thịt uống
rượu với vị Du-già sư. Sau đó vị này khai thị, cho ông nhập môn, ở lại
và phải làm các công việc hết sức hạ tiện. Dần dần lòng kiêu mạn của ông
biến mất, nhường chỗ cho Như thật tri kiến đích thật. Sau sáu năm, ông
đạt thánh quả Ðại thủ ấn tất-địa nhờ biết dẹp bỏ được sự gò bó nội tâm
do xã hội quy định.

Tri kiến đã sai lầm,

chỉ có thể thanh lọc

bằng giác ngộ tính Không.

Hành động đã sai trái,

chỉ có thể đối trị

bằng cách quán Từ Bi.

Thiền dẫn đến chứng thật,

rằng trong chốn Thật tại,

cái muôn hình là một,

và mục đích cuối cùng,

chỉ còn có Một vị.