ÂU DƯƠNG TIỆM

Phật Quang Đại Từ Điển

(1871-1943) Người huyện Nghi hoàng tỉnh Giang tây. Tự là Kính vô, Tiệm ngô. Lúc nhỏ chịu khó học, xem khắp bách gia chư tử. Khi chiến tranh Trung Nhật bùng nổ vào năm Giáp ngọ, nhận thấy cái học tạp nhạp chẳng giúp ích gì cho đất nước, bèn chuyên trị học nghĩa lí, hòng dùng nó để vãn cứu thời tệ. Năm ba mươi tư tuổi đến Nam kinh hầu Dương nhân sơn, được nghe về ý chỉ của pháp giới Hoa nghiêm bèn tin theo Phật giáo, vào tinh xá Kì hoàn, để hết tâm vào kinh luận, dốc sức học Phật. Năm ba mươi sáu tuổi, thân mẫu nhuốm bệnh chết. Tự nói người học Phật khác với các người khác, mỗi lần bị phẫn lại càng phải học. Từng lưu học Nhật bản, sau khi về nước, nhận chức giáo viên của trường Sư phạm tại Lưỡng quảng. Sau lại đến Nam kinh ẨN SỞ TÁC PHÁP theo Dương nhân sơn, khi họ Dương mất, đem cơ sở khắc kinh tại Kim lăng giao phó cho ông.

Dân quốc năm đầu (1912), cùng với Lí chứng cương đề xướng lập hội Phật giáo, chủ trương tôn giáo tách rời chính trị, sa thải các tăng lữ tầm thường, rất tiếc là việc làm và ước nguyện trái nhau, chưa thành công được. Ông đối với Phật học, đầu tiên đọc Đại thừa khởi tín, Hoa nghiêm, Lăng nghiêm. Đến bốn mươi tuổi, chuyển sang khảo cứu Pháp tướng duy thức, Du già sư địa, rồi lại từ luận Đại trí độ đến Bát-nhã, Niếtbàn; lâu sau chỉ còn chuyên Pháp tướng Duy thức, bỏ Hoa nghiêm, cho luận Đại thừa khởi tín, kinh Lăng nghiêm đều là kinh sách giả. Đồng thời, hội thông Nho Phật, san hành Trung dung truyện, Khổng học tạp chí, Tứ thư độc v.v… đều phát hiện được cái mà những người trước chưa phát hiện được, giới Phật học tôn là Phật học đại sư. Năm Dân quốc 11, sáng lập tại Nam kinh China nội học viện, giảng Duy thức quyết trạch đàm, những người như Lữ trừng, Thang dụng đồng, Vương ân dương, Hoàng sám hoa, Hùng thập lực v.v… đều đã đến học Âu dương tiệm; các học giả trứ danh như Lương khải siêu, Lương thấu minh, Chương thái viêm, cũng đã từng đến gặp. Nhà thơ và nhà triết học Ấn độ Thái qua nhĩ (Tagore) khi sang thăm Trung quốc, đặc biệt đã đến diện kiến, đàm luận một đêm, kinh ngạc mãi không thôi. Khoảng năm Dân quốc 14, thiết lập Đại học Pháp tướng chuyên khoa, nhưng vì thời cuộc phải bỏ dở. Lại biên soạn Tạng yếu ba tập, Phương tiện học Phật.

Trong thời gian kháng chiến, rời Nội học viện đến Giang tân tỉnh Tứ xuyên, vẫn dạy học, khắc kinh không nghỉ. Tháng 2 năm Dân quốc 32, ông mất tại Thục viện vì bệnh viêm phổi, hưởng thọ bảy mươi ba tuổi. Môn nhân thu góp những văn phẩm của ông gồm hơn ba mươi quyển, đóng chung thành một tập gọi là Kính vô nội ngoại học lưu hành ở đời. Sau khi chính phủ Dân quốcdời ra Đài loan, tập ấy chưa thấy lưu thông. Công ty xuất bản Tân văn phong ở Đài loan đã tìm được một bộ phận lớn của sách ấy, xuất bản Âu dương đại sư di tập bốn tập, hơn ba nghìn hạng mục, nổi tiếng thì có: Duy thức quyết trạch đàm, Đối không hữu chư tông điển tịch chi tự luận, Du già sư địa luận tự và China nội học viện viên huấn thích, đều bao hàm trong bốn tập đó. Âu dương tiệm coi trọng Phật giáo tại gia, chê bai Phật giáo xuất gia; Dân quốc năm thứ 7, công bố China nội viện giản chương tổng cương đệ nhất điều, nói: Tông chỉ của Nội viện là xiển dương Phật giáo, đào tạo nhân tài hoằng pháp làm lợi cho đời, chứ không đào tạo những kẻ sĩ xuất gia tự lợi. Thái hư đại sư, người cùng xuất thân từ cửa Dương nhân sơn, bèn soạn Quan ư Chi na nội học viện văn kiện chi trích nghi để bác bỏ, do đó đã mở màn cuộc tranh luận về pháp nghĩa giữa Thái hư và Nội viện; đồng thời, đại sư Thái hư tiếp tục soạn Phật pháp tổng quyết trạch đàm, Kính cư sĩ học thuyết chất nghi (Chất vấn những điểm quái lạ trong học thuyết của cư sĩ Kính), Luận pháp tướng tất tông Duy thức, Tái luận Pháp tướng tất tông Duy thức v.v… để biện luận và chất vấn.