ANH NHI HÀNH

Phật Quang Đại Từ Điển

Là một trong năm hạnh tu của Bồ tát được liệt kê trong kinh Niết Bàn. Phần nhiều do tông Thiên Thai ứng dụng. Cứ theo Đại Thừa Nghĩa Chương quyển 12 chép, thì Anh nhi hạnh có hai nghĩa lợi mình và lợi người. Đứng về phương diện lợi mình mà giải thích, thì Bồ tát làm việc mà không phân biệt, cũng như con trẻ làm việc, cho nên gọi là Anh nhi hạnh; còn đứng về phương diện lợi người mà giải thích, thì đối với các thừa người, trời, Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát thương xót họ cũng như thương con trẻ, nên phát khởi tâm đại bi mà hóa độ họ, cho nên gọi là Anh nhi hạnh. Ngoài ra, kinh Niết Bàn (bản Nam) quyển 18, liệt kê Anh nhi ngũ tướng (năm tướng của con trẻ): 1.Bất năng khởi (không dậy được), Như Lai rốt ráo không khởi các pháp tướng. 2.Bất năng trụ (không đứng được), Như Lai không chấp trước tất cả pháp. 3.Bất năng lai (không đến được), thân Như Lai không lay động. 4.Bất năng khứ (không đi được), Như Lai đã đến Đại Bát Niết Bàn. 5.Bất năng ngữ (không nói được), Như Lai tuy vì hết thảy chúng sinh mà diễn nói các pháp, nhưng thực ra thì không có gì để nói cả. [X. Kinh Niết Bàn (bản Bắc) Q.11, Q.20; Pháp Hoa Huyền Nghĩa Q.4 phần dưới; Bảo Kính Tam Muội]. (xt. Ngũ Hành).