AN TỨC QUỐC

Phật Quang Đại Từ Điển

Một Vương quốc xưa, nằm ở địa phương Ba-tư (nay là Iran). Lịch sử Tây phương gọi là Parthia. Đãn-can (Damghan) ngày nay tức là vương đô của An-tức xưa. Do vua A-nhĩ-tát-khắc-tư (Arsakes) xây dựng vào khoảng năm 250 trước Tây lịch, vì thế vương triều ấy được gọi là vương triều A-nhĩ-tát-khắc-tư. An-tức là dịch âm, trong sách sử Trung Quốc phần nhiều dùng tên dịch này. Khi vương triều A-nhĩ-tát-khắc-tư cực thịnh, từ bờ sông Ấn Độ đến Mỹ-tố-bất-đạt-mễ-á (Mesopotamia) đều thuộc lãnh thổ của vương triều này. Sau đánh nhau với đế quốc cổ La Mã, lại thêm nội loạn thành suy yếu, cuối cùng, vào năm 226 Tây lịch, bị vương triều Tát San của đế quốc Ba-tư tiêu diệt. Nước An-tức là con đường trọng yếu trong việc giao thông mậu dịch giữa đông và tây, trao đổi hàng tơ lụa với Trung quốc rất mạnh.

Cứ theo Sử Kí Đại Uyển Liệt Truyện Thứ 63 chép, thì năm Nguyên Thú thứ 4 (119 B-C) đời Vũ Đế nhà Tây Hán, Trương Kiển phụng mệnh đi sứ Tây-vực, khi Viên Phó Sứ vào nước An-tức, được nhà vua đón tiếp, trong sách còn kể đến phong thổ và dân tình nước An-tức. Lại Tiền Hán Thư Tây Vực truyện thứ 78, Ngụy Thư Liệt Truyện thứ 90 v.v… cũng đều có ghi chép về tình hình nước này. Còn đứng về phương diện quan hệ giữa nước An-tức và Phật giáo mà nói, thì vào thời Hoàn Đế nhà Đông Hán, có ngài An Thế Cao đến Lạc Dương làm việc phiên dịch kinh điển, cứ theo truyền thuyết thì ngài là con vua nước An-tức, sau xuất gia làm tăng. Về sau, thời Linh Đế có An Huyền, thời Tào Ngụy có Đàm Vô Đế, thời Tây Tấn có An Pháp Khâm v.v… cũng nối nhau đến Trung Quốc phiên dịch kinh điển. Các kinh do họ dịch phần nhiều là kinh điển Tiểu thừa, dịch rộng cả ba tạng kinh, luật, luận, xem thế đủ biết, khoảng thời đại Tam Quốc nhà Đông Hán, Phật giáo ở nước An-tức đã rất thịnh hành. [X. kinh Đại Bảo Tích Q.10; kinh Bồ Tát Thiện Giới Q.2; Xuất Tam Tạng Kí Tập Q.14; Lương Cao Tăng Truyện Q.1; Khai Nguyên Thích Giáo Lục Q.1, Q.2; Chu Thư Liệt Truyện thứ 42; Bắc Sử Liệt Truyện thứ 85].