AN TỨC HƯƠNG

Phật Quang Đại Từ Điển

Phạm: Guggula. Dịch âm là Cầu-cầu-la, Quật-cụ-la, Cầu-la, Cục-quật-la. Còn gọi là Càn-đà-la-thụ-hương. Là một loại hương liệu, tức là nhựa của cây an tức hương. Cây này thuộc loại cây cao, lá rụng, phần nhiều sinh sản ở Ấn Độ, Tô-môn-đáp-lạp (Sumatra), Tiên-la (Thái Lan) và Ba-tư; cây cao hơn trượng, lá hình bầu dục, láng bóng, hoa bên ngoài trắng, bên trong mầu hạt dẻ, da cây mầu tro, nhựa có thể dùng làm thuốc hoặc làm hương đốt. Nhưng, thông thường người ta lấy cây an tức, nghiền thành bột, trộn lẫn với keo, rồi xe thành hương nén mà thắp. Hương liệu này đầu tiên được các lái buôn người nước An Tức du nhập Trung Quốc, vì thế gọi là An-tức-hương.

Ngoài ra, sách Dậu dương Tạp Trở Quảng Động Thực Mộc Thiên nói: Cây An-tức-hương. từ nước Ba-tư, người Ba-tư gọi là cây trừ tà. Cao ba trượng, vỏ màu vàng thẫm, lá có bốn góc, mùa đông không rụng, tháng hai nở hoa, hoa màu vàng, hơi biếc bên trong, không có quả. Cứa da cây thì nhựa chảy ra như mạch nha, gọi là An-tức-hương. Tháng sáu, tháng bảy thì nhựa cứng lại, lấy để đốt, thông được với thần minh, tiêu trừ điều xấu ác. [X. luận Du Già Sư Địa Q.44; Du Già Lược Toản Q.11; Huyền ứng Âm Nghĩa Q.4; Phiên Dịch Danh Nghĩa Tập Q.3].