Ấn

Từ Điển Đạo Uyển

印; S: mudrā;

Một dấu hiệu thân thể. Trong tranh tượng, các đức Phật thường được
trình bày với một kiểu tay đặc biệt, vừa là một cử chỉ tự nhiên, vừa là
một dấu hiệu của tính chất Phật (Phật tính). Trong Ðại thừa, các Thủ ấn
(chỉ các ấn nơi tay, còn Khế ấn là những tư thế khác như cầm ngọc, toạ
thiền…) này đều có một ý nghĩa đặc biệt, nhất là trong các tông phái như
Thiên Thai, Kim cương thừa và các ấn này thường đi đôi với Man-tra.
Ngoài ra, các ấn này giúp hành giả chứng được các cấp tâm thức nội tại,
bằng cách giữ vững những vị trí thân thể nhất định và tạo mối liên hệ
giữa hành giả với các vị Phật hoặc Ðạo sư trong lúc hành trì một Nghi
quỹ (s: sādha-na).

Các ấn quan trọng nhất là: 1. Ấn thiền (禪 印; dhyāni-mudrā), 2. Ấn giáo
hoá (教 化 印; vitarka-mudrā), 3. Ấn chuyển pháp luân (轉 法 輪 印;
dharmacakrapravartana-mudrā), 4. Ấn xúc địa (觸 地 印; bhūmisparśa-mudrā),
5. Ấn vô uý (無 畏 印; abhaya-mudrā), 6. Ấn thí nguyện (施 願 印;
varada-mudrā), cũng được gọi là Dữ nguyện ấn (與 願 印), Thí dữ ấn (施 與 印),
7. Ấn tối thượng bồ-đề (無 上 菩 提 印; uttarabodhi-mudrā), 8. Ấn trí huệ vô
thượng (無 上 智 印; bodhyagri-mudrā), 9. Ấn hiệp chưởng (合 掌 印;
añjali-mudrā, 10. Ấn kim cương hiệp chưởng (金 剛 合 掌 印;
vaj-rapradama-mudrā).






H 2: Ấn thiền


1. Ấn thiền (s: dhyāni-mudrā): lưng bàn tay mặt để trên lòng bàn tay
trái, hai ngón cái chạm nhau. Hai bàn tay để trên lòng, ngang bụng. Bàn
tay mặt phía trên tượng trưng cho tâm thức giác ngộ, bàn tay trái phía
dưới tượng trưng thế giới hiện tượng. Ấn quyết này biểu lộ sự giác ngộ
đã vượt lên thế giới hiện tượng, nó cũng biểu lộ tâm thức giác ngộ đã
vượt qua tâm thức phân biệt, trong đó Luân hồi hay Niết-bàn chỉ là một.

Ấn thiền có một dạng khác, trong đó các ngón tay giữa, ngón đeo nhẫn
và ngón út của hai bàn tay nằm lên nhau, ngón cái và ngón trỏ mỗi tay
tạo thành hai vòng tròn chạm nhau, hai vòng tròn đó biểu tượng thế giới
chân như và thế giới hiện tượng. Ấn này hay được tạo hình nơi tranh
tượng của Phật A-di-đà và hay được gọi là “Ấn thiền A-di-đà”. Trong
Thiền tông, thiền giả lại để bàn tay trái trên bàn tay mặt lúc Toạ
thiền. Ðiều này thể hiện thân trái (tĩnh) nằm trên thân phải (động),
nhằm chỉ rõ thái độ trầm lắng của Thiền tông.




H 3: Ấn giáo hoá


2. Ấn giáo hoá (s: vitarka-mudrā): tay mặt chỉ lên, tay trái chỉ
xuống, hai lòng bàn tay chỉ tới trước. Trong mỗi tay, ngón trỏ và ngón
cái chạm nhau, làm vòng tròn. Bàn tai mặt đưa ngang vai, bàn tay trái
ngang bụng. Trong một dạng khác của ấn giáo hoá, lòng bàn tay trái hướng
lên, để ngang bụng, tay mặt ngang vai, ngón tay trỏ và tay cái làm hình
tròn. Trong một dạng khác thì ngón trỏ và ngón út duỗi thẳng, ngón giữa
và đeo nhẫn co lại. Lòng bàn tay trái hướng lên, tay mặt hướng xuống.
Người ta hay bắt gặp ấn giáo hoá nơi tranh tượng Phật A-di-đà, có khi
nơi Ðại Nhật Phật (s: mahāvairoca-na).




H 4: Ấn chuyển pháp luân


3. Ấn chuyển pháp luân (s: dharmacakrapravarta-na-mudrā): tay trái
hướng vào thân, tay mặt hướng ra. Trong mỗi tay, ngón trỏ và ngón cái
chạm nhau thành vòng tròn, hai vòng tròn đó chạm nhau. Người ta hay thấy
ấn chuyển pháp luân nơi tranh tượng của Phật Thích-ca, A-di-đà, Ðại
Nhật và Di-lặc.




H 5: Ấn xúc địa


4. Ấn xúc địa (bhūmisparśa-mudrā): tay trái hướng lên, đặt ngang bụng,
tay mặt chỉ xuống, lưng tay mặt xoay tới trước. Ðó là ấn quyết mà đức
Thích-ca gọi thổ địa chứng minh mình đạt Phật quả và cũng là dấu hiệu
của sự không lay chuyển, vì vậy Bất Ðộng Phật (s: akṣobhya) cũng hay
được trình bày với ấn này.




H 6: Ấn vô uý


5. Ấn vô uý (s: abhaya-mudrā): tay mặt với các ngón tay duỗi ra chỉ về
phía trước, ngang tầm vai. Ðây là ấn quyết mà Phật Thích-ca sử dụng
ngay sau khi đắc đạo. Phật Bất Không Thành Tựu (s: amoghasiddhi) cũng
hay được trình bày với ấn này




H 7: Ấn thí nguyện


6. Ấn thí nguyện (s: varada-mudrā): thí nguyện là cho phép được toại
nguyện, lòng tay mặt hướng về phía trước, bàn tay chỉ xuống. Nếu ở tượng
Phật Thích-ca là đó biểu hiện gọi trời (xem ấn xúc địa) chứng minh Phật
quả. Phật Bảo Sinh (s: ratnasam-bhava) cũng hay được diễn tả với ấn
quyết này. Trong một dạng khác, ngón trỏ và ngón cái chạm nhau thành
vòng tròn. Ấn vô uý và ấn thí nguyện hay được trình bày chung trong một
tranh tượng. Thường tay mặt bắt ấn vô uý, tay trái ấn thí nguyện. Tượng
đứng của các vị Phật hay có hai ấn này.




H 8: Ấn tối thượng Bồ-đề


7. Ấn tối thượng Bồ-đề (s: uttarabodhi-mudrā): hai bàn tay chắp ngang
ngực, hai ngón trỏ duỗi thẳng chạm vào nhau, như mũi nhọn của một Kim
cương chử. Các ngón khác lồng vào nhau, hai ngón cái chạm nhau hay để
lên nhau. Tranh tượng của Phật Ðại Nhật hay được trình bày với ấn này.




H 9: Ấn trí huệ vô thượng


8. Ấn trí huệ vô thượng (s: bodhyagri-mudrā): ngón tay trỏ của bàn tay
mặt được năm ngón kia của tay trái nắm lấy. Ấn này người ta hay thấy
nơi Phật Ðại Nhật. Trong Mật tông có nhiều cách giải thích ấn này, nhưng
nói chung một ngón tay chỉ rõ sự nhất thể của vạn sự và năm ngón kia
chỉ tướng trạng vô cùng của thế giới hiện tượng.




H 10: Ấn hiệp chưởng


9. Ấn hiệp chưởng (s: añjali-mudrā): hai bàn tay chắp trước ngực, được
sử dụng để tán thán, ca ngợi, và cũng là cử chỉ chào hỏi thông thường
tại Ấn Ðộ. Với dạng ấn, hai bàn tay chắp lại chỉ Chân như. Trong các
tranh tượng, Phật và các vị Bồ Tát không bao giờ được trình bày với ấn
này vì trong Ba thế giới, không có ai vượt ngoài trí huệ của chư vị và
vì vậy, chư vị không cần phải tán thán ai cả.




H 11: Ấn kim cương hiệp chưởng


10. Ấn kim cương hiệp chưởng (s: vajrapradama-mudrā): đầu ngón tay của
hai bàn tay chắp vào nhau. Ấn này là biểu hiện của tín tâm bất động,
vững chắc như Kim cương (s: vajra).