ẤN TÍN

Phật Quang Đại Từ Điển

I. Ấn tín. Trong Thiền lâm, chỉ vật làm tin thầy dùng để trao pháp cho học trò.

II. Ấn tín. Trong Mật giáo, chỉ sách Ấn khả khi thầy A xà lê dặn dò trao pháp môn cho học trò. Ấn, hàm ý thừa nhận là được; Tín, hàm ý phù hợp. Nói theo nghĩa rộng, ấn tín là Pháp cụ mà A xà lê trao phó dặn dò, thông thường chỉ văn thư ghi chép ấn minh (ấn khế và chân ngôn) để trao phó pháp. Có nhiều loại ấn tín, nhưng tương đối phổ biến thì có ba: Ấn minh ghi chép pháp được trao phó, Huyết mạch và Thiệu văn. Ấn minh, tức bí ấn và chân ngôn; Huyết mạch, tức hệ thống pháp môn một mạch được truyền thừa; Thiệu văn, chỉ sự tường thuật cái duyên do được truyền thừa, là văn bản nói rõ cái ý thú của pháp được trao phó. [X. Kinh Văn thù sư lợi bảo tạng đà la ni].