ẤN THUẬN

Phật Quang Đại Từ Điển

(1906 – 2005) Người huyện Hải ninh tỉnh Triết giang, họ Trương. Lúc bé học Thi, Thư, kiêm nghiên cứu Trung y. Lại thích học Đạo gia và tìm hiểu các tôn giáo phương Tây. Năm hai mươi tuổi, tình cờ đọc Trang tử, thấy trong bài tựa của Phùng mộng trinh có câu: Song mà, nhìn kĩ, văn của Trang tử có phải là mở đường cho Phật pháp chăng? bèn nảy sinh cái hứng thú tìm hiểu Phật pháp. Năm hai mươi ba tuổi, thân mẫu chợt nhuốm bệnh rồi mất, lòng rất chấn động. Chưa bao lâu, ông chú mất, rồi tiếp đến thân phụ cũng bệnh mà mất theo, bèn cảm sự vô thường của kiếp người và nảy cái chí xuất gia. Năm hai mươi lăm tuổi, xuất gia theo Hòa thượng Thanh niệm ở am Phúc tuyền, núi Phổ đà, pháp danh là Ấn thuận, hiệu là Thịnh chính. Lễ trưởng lão Dực sơn làm nghĩa sư, thụ giới Cụ túc tại chùa Thiên đồng.

Đã từng theo học tại Phật học viện Nam mân, Phật học viện Vũ xương, tham vấn Hòa thượng Hư vân, luật sư Từ hàng và gần gũi Đại sư Thái hư. Thường qua lại các nơi Phổ đà, Hạ môn và Vũ xương giảng kinh. Năm Dân quốc 25 (1936), ở tại núi Phổ đà Phật đỉnh đọc Đại tạng. Sau du lịch các nơi Tây hồ ở Hàng châu, Dương châu, gặp đại sư Thái hư và, vâng mệnh của Đại sư, trước đến Phật học viện Vũ xương, kế đến viện Hán Tạng giáo lí, rồi vào Tứ xuyên làm các Phật sự, lúc đó ba mươi ba tuổi. Từ đấy, thường bàn luận về pháp nghĩa với pháp sư Pháp tôn. Năm bốn mươi hai tuổi, chủ biên Thái hư đại sư toàn thư ở chùa Tuyết đậu.

Năm bốn mươi tư tuổi, rời Hạ đến Hương cảng, nhận chức Hội trưởng Hội liên hiệp Phật giáo Hương cảng, và Hội trưởng phân hội Cảng – Áo của hội Phật giáo thế giới hữu nghị, tại Hương cảng cho ấn hành Phật pháp khái luận. Năm bốn mươi bảy tuổi, nhận lời mời của cư sĩ Lí tử khoan và quyết nghị của hội Phật giáo Trung quốc cử làm đại biểu đi dự Đại hội đại biểu của hội Phật giáo thế giới hữu nghị lần thứ hai họp tại Nhật bản, sư bèn đến Đài loan. Về sau, nhận chức Đạo sư của chùa Thiện đạo ở Đài bắc và Trưởng ban biên tập Tạp chí Hải triều âm. Năm bốn mươi tám tuổi, dựng tinh xá Phúc nghiêm theo kiểu tinh xá ở Hương cảng trên bờ hồ Tân trúc thanh thảo và định cư tại Đài loan.

Năm bốn mươi chín tuổi, theo đề nghị của pháp sư Tính nguyện, sang Phi luật tân hoằng pháp. Năm năm mươi mốt tuổi, nhận chức trú trì chùa Thiện đạo, và chỉ năm sau đã rời chùa đi. Về sau, đã nhiều lần ra nước ngoài hoằng pháp. Lại kiến thiết Phật học viện dành cho nữ chúng tại Tân trúc, và sáng lập giảng đường Tuệ nhật ở Đài bắc. Mùa đông năm Dân quốc 53, dựng Diệu vân lan nhã tại Gia nghĩa, đến tháng 5 năm ấy thì đóng cửa tĩnh tu tại đây. Một năm sau, đáp lời mời của Học viện văn hóa Trung quốc (tiền thân của Đại học văn hóa), nhận chức giáo thụ khoa Triết học.

Năm sáu mươi tám tuổi, do tác phẩm Trung quốc Thiền tông sử của sư mà sư được viện Đại học Đại chính của Nhật bản trao tặng văn bằng Tiến sĩ văn học. Trong giới Phật giáo theo sư tu học, có các pháp sư Thường giác, Diễn bồi, Tục minh, Nhân tuấn v.v… Đối với việc học Phật, sư không chịu ảnh hưởng của quan niệm tông phái Phật giáo truyền thống nào, mà đứng về phương diện toàn thể Phật giáo để học hỏi, nghiên cứu, rồi giải thích và phê phán một cách khách quan. Đồng thời, trực tiếp từ các kinh luận của Phật giáo Nguyên thủy, như A hàm, Tì đàm, và các kinh luận thuộc ba hệ Không, Hữu, Chân thường của Ấn độ mà tìm ra tinh nghĩa của lời Phật dạy và của các đại sư đời sau. Đặc biệt đối với cái học Trung quán của ngài Long thụ, sư đã tìm tòi một cách thấu đáo sâu xa, có thể nói, từ đời Tống đến nay, đối với sự nghiên cứu Trung quán, sư đã có cống hiến rất lớn.

Ngoài ra, về Phật giáo Nguyên thủy, Phật giáo Bộ phái, lịch sử Thiền tông Trung quốc, sư cũng nghiên cứu một cách tinh thâm. Riêng đối Phật giáo Đại thừa ở Ấn độ, sư chia thành ba hệ lớn là: Tính không duy danh, Hư vọng duy thức, Chân thường duy tâm, có cái lí thú lớn và khác với các thuyết cũ. Sự trước tác của sư rất phong phú, có các tác phẩm như: Trung quán kim luận, Duy thức học thám nguyên, Tính không học thám nguyên, Nguyên thủy Phật giáo thánh điển chi tập thành, Thuyết nhất thiết hữu bộ vi chủ đích luận thư dữ luận sư chi nghiên cứu, Trung quốc Thiền tông sử, Sơ kì Đại thừa Phật giáo chi khởi nguyên dữ khai triển, Như lai tạng chi nghiên cứu, Tạp a hàm kinh luận hội biên v.v… Đại bộ phận trước thuật và các ghi chép những buổi thuyết pháp của sư được gom vào thành Diệu vân tập (24 tập) lưu hành ở đời.