ẤN NI PHẬT GIÁO

Phật Quang Đại Từ Điển

PHẬT GIÁO INDONESIA – Phật giáo tại Indonesia là tôn giáo rất xưa, nhưng cũng là tôn giáo mới phát. Đầu thế kỉ thứ V Tây lịch, trên đảo Trảo oa (Java) đã có một số ít tín đồ Phật giáo, khi ngài Pháp hiển ghé thăm đảo này (414), thấy Bà la môn giáo thịnh hành, mà Phật giáo thì vẫn còn ở giai đoạn khởi thủy. Hơn hai mươi năm sau, có vị tỉ khưu tên là Cầu la phất văn (Phạm: Gunavarman) đến đây hoằng pháp, dịch kinh, Phật giáo mới chính thức được truyền nhập, rồi lần lượt có hoàng thái hậu, quốc vương và nhân dân qui y. Đến thế kỉ thứ VII, Phật giáo đã truyền vào Tô môn đáp lạp (Sumatra), vua xứ Ba lân bàng (Palembang) lúc đó là Tô gia gia (Zrìvijaya). Năm Hàm hanh thứ 2 (671) đời Đường cao tông, từ Quảng châu, ngài Nghĩa tịnh vượt biển đi về phương Nam, lúc qua Palembang, ngài đã khen ngợi nền giáo dục Phật giáo tại đó hưng thịnh, có thể sánh ngang với chùa Na lan đà ở Ấn độ, việc này thấy ghi trong bài tựa của Nam hải kí qui nội pháp truyện.

Sau đó, Nghĩa tịnh lại đến Thất lợi phật thệ (nay là đông bộ Tô môn đáp lạp) nghỉ lại sáu tháng để học tập ngôn ngữ. Sau, ngài đến Ấn độ lưu học mười một năm, tới năm Thùy củng thứ 3 (687) đời Vũ hậu, lại theo đường biển về nước và ghé qua Thất lợi phật thệ lần thứ hai, lưu lại đó hai năm; trong thời gian này, ngài dịch Tạp kinh luận, viết Nam hải kí qui nội pháp truyện, Đại đường tây vực cầu pháp cao tăng truyện, là người Trung quốc đầu tiên dịch thuật tại Ấn ni. Trong khoảng bốn trăm năm, từ thế kỉ VII đến thế kỉ X, là thời kì cường thịnh của Phật giáo Ấn ni. Trong thế kỉ VII, Đạt ma phổ la (Phạm:Dharmapàla), đã dạy tại Đại học Na lan đà ba mươi năm, nay từ nước Khang cư đến Tô môn đáp lạp hoằng pháp. Cũng trong thế kỉ VII, Vương quốc Thất lợi phật thệ hưng khởi, trên dưới toàn quốc đều thành kính tin theo Phật giáo.

Cứ theo Cước chú của người dịch trong Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ bách nhất yết ma quyển 5 chép, thì nước ấy có hơn một nghìn Tăng chúng, đều lấy học vấn làm việc chính, và phần nhiều hành pháp thác bát (đi khất thực), phép tắc của sa môn ở đây đại để cũng giống như ở trung Ấn độ. Từ giữa thế kỉ VIII về sau, trong khoảng một trăm năm, các kiến trúc Phật giáo trứ danh nối nhau hoàn thành, như Bà la phù đồ (Borobudur), được xây dựng vào thế kỉ IX, dưới triều vua Tái lãng độ lạp tư, là Thánh địa lộng lẫy nhất, to lớn nhất của Phật giáo Đại thừa trên toàn cầu hiện nay. Ngoài ra, các kiến trúc Phật giáo khác, như Mạn đạt đặc (Mendut), Tạp lạp sâm (Kalasan), Tát lũy (Sari) v.v… cũng đều nổi tiếng trong nước, tình hình hưng thịnh của Phật giáo có thể coi đó mà biết được. Thời ấy, Phật giáo nhờ sự tán trợ của vua Thế lăng đạt la mà được tuyên dương, nhà vua còn xây nhiều chùa viện tại hai nơi Nã lăng đà và Lạp ca phả đôn. Đồng thời, Mật giáo cũng du nhập.

Ở thế kỉ này, Phật giáo cư sĩ lâm đã được thiết lập một cách rộng khắp, năm 1953, tổ chức Cư sĩ lâm đầu tiên được thành lập ở Nhật nhạ, nay trên toàn quốc có khoảng hơn bốn mươi tổ chức như thế. Năm 1957, hội Phật học Ấn ni tại Tam bảo lũng, hội Phật học Tô đảo tại Miên lan thị cũng nối nhau được thành lập, năm 1958, Tổng hội Phật giáo Bồ đề Ấn ni mở đại hội lần thứ nhất tại chùa Phật đà già gia. Tháng 10 năm 1984, các tông phái lớn của Phật giáo Ấn ni, cùng góp sức sáng lập Đại học Phật giáo Ấn ni tại Tô ma đáp lạp, đơn xin phép đã được Chính phủ Ấn ni phê chuẩn, là Đại học Phật giáo duy nhất tại Ấn ni. [X. Ấn ni chi Phật giáo (Tuệ hải)].