AN LẠC TẬP

Phật Quang Đại Từ Điển

Gồm hai quyển. Do ngài Đạo Xước (562 – 645) đời Đường soạn, thu vào Đại Chính Tạng tập 47. Cứ theo luận Tịnh Độ của ngài Ca Tài nói, thì ngài Đạo Xước tin theo Tịnh Độ giáo vào năm Đại Nghiệp thứ 5 (608) đời Tùy, lúc đó đã bốn mươi tám tuổi; như vậy, bộ sách này có thể đã được viết vào khoảng từ năm 609 đến năm 645 Tây lịch. Về mục đích của bộ sách, có nhiều thuyết khác nhau, có thuyết bảo sách này là từ trong toàn bộ giáo nghĩa Phật giáo mà rút tỉa ra những nghĩa chủ yếu của Tịnh Độ giáo, chứ không liên quan đến bộ kinh điển đặc biệt nào; có thuyết bảo sách này là trình bày ý nghĩa chủ yếu của ba bộ kinh Tịnh Độ, là sách khuyên người vãng sinh; cũng có thuyết bảo là giải thích yếu nghĩa của kinh Quán Vô Lượng Thọ, nhằm tuyên dương thực nghĩa của việc vãng sinh Tịnh Độ.

Nội dung bộ sách do mười hai môn lớn cấu thành. Trong sách, giáo pháp một đời của đức Phật được chia làm hai môn Thánh đạo và Tịnh Độ, và cho môn Tịnh Độ thích hợp với chúng sinh độn căn ở đời mạt pháp, cho nên đề xướng pháp môn niệm Phật, khuyên người ta niệm Phật cầu vãng sinh thế giới Cực Lạc. Đời sau, Nhật Bản chia Phật giáo thành Thánh Đạo môn và Tịnh Độ môn, chính đã bắt nguồn từ sách này. Thời đại ngài Đạo Xước đang chứng kiến sự kiện Vũ Đế nhà Bắc Chu bài Phật, tư tưởng mạt pháp trong Phật giáo Trung Quốc lúc đó rất là phổ biến, vấn đề tồn tại của Phật giáo đang bị đe dọa thật sự. Lúc bấy giờ lại có các nhà thuộc tông Tam Luận cho thuyết Vãng sinh Tịnh Độ là kiến chấp hữu tướng, các nhà chú thích luận Nhiếp Đại Thừa thì cho niệm Phật là Biệt thời ý rồi phần nhiều bài bác pháp môn Tịnh Độ, bởi thế, trong sách này, ngài Đạo Xước cũng đã biện luận rất nhiều về ý kiến đó.

Sách này còn căn cứ vào thuyết năm cái năm trăm năm nói trong kinh Đại Tập mà chủ trương Phật giáo Trung Quốc lúc bấy giờ đang ở vào năm trăm năm thứ tư, chúng sinh cần phải nương tựa vào pháp môn niệm Phật mới có thể được cứu vớt, do đó mới cực lực đề xướng pháp môn niệm Phật, tư tưởng này, sau được học trò của ngài là sư Thiện Đạo tập đại thành. Tư tưởng này, sau khi được truyền vào Nhật Bản, ở thời đại Liêm Thương, đã trở thành cốt tủy trong Tịnh Độ giáo của các sư Pháp Nhiên và Thân Loan.