AN LẠC HÀNH

Phật Quang Đại Từ Điển

Tức chỉ pháp an trú thân tâm của Bồ Tát khi giảng diễn kinh Pháp Hoa trong đời mạt pháp xấu ác. Cứ theo kinh Pháp Hoa quyển 4 phẩm An Lạc hành chép, thì có bốn thứ An Lạc Hành: Thân an lạc hành, Khẩu an lạc hành, Ý an lạc hành, Thệ nguyện an lạc hành, gọi là Tứ an lạc hành. Cũng tức là các Bồ Tát phải xa lìa những tội lỗi của ba nghiệp thân, khẩu, ý, đồng thời phát nguyện dạy bảo chúng sinh, hóa độ chúng sinh, là những hành vi yên vui làm lợi mình lợi người.

Cứ theo Pháp Hoa Kinh An Lạc Hành Nghĩa Của Ngài Tuệ Tư chép, thì đối với tất cả pháp, tâm không lay động, gọi là an, không bị phiền não năm ấm trói buộc, gọi là lạc; thân tâm yên vui mà làm lợi mình lợi người, gọi là hành. Cũng sách đã dẫn còn chia an lạc hành làm hai thứ là Hữu tướng, Vô tướng: 1.Hữu tướng hành, là pháp tu bên ngoài, như dốc lòng đọc tụng văn tự của kinh Pháp Hoa, gọi là Văn tự hữu tướng hành. 2.Vô tướng hành, là phép tu bên trong, như tu chỉ quán để thấu suốt trong tất cả các pháp, tâm tướng vắng bặt, rốt ráo chẳng sinh, cũng tức là chẳng lấy An lạc hành này làm phép tu, mà cứ trong trạng thái tự nhiên nhi nhiên, vô hành vô hóa mà lợi mình lợi người.

Ngoài ra, Pháp Hoa Văn Cú quyển 8 phần dưới, cũng nêu lên ba giải thích để giải nghĩa của An lạc hành. Đó là: 1.Y sự thích, tức giải thích theo sự vật; nghĩa là thân không ách nạn là an, tâm không lo buồn là lạc, dựa vào đó (thân yên tâm vui), có thể thực hiện được những việc làm lợi mình lợi người. 2.Phụ văn thích, là phụ thêm ba phép tắc trong phẩm Khuyến trì để giải thích; tức lấy mặc áo Như Lai (hành chỉ hành) làm pháp thân yên, vào nhà Như Lai (hành từ bi hành) làm tâm vui giải thoát, ngồi tòa Như Lai (hành quán hành) làm Bát nhã hạnh. Ngoài ra, còn phụ thêm riêng vào văn của phẩm An lạc hành để giải thích; tức an trú ngôi nhẫn nhục là thân yên, không bị phiền não, bạo lực làm khốn là tâm vui, quán thực tướng của các pháp là hành tiến. 3.Pháp môn thích, tức đem pháp môn tu hành để giải thích; nghĩa là không duyên theo pháp thiên hẳn một bên sinh tử hoặc Niết Bàn, mà an trú bất động là an; không chấp thủ cái dụng rộng lớn của Thiền định và không nhận năm ấm là lạc; dưới cái trạng thái không nhận, không làm mà tu trung đạo, là hành. (xt. Tứ An Lạc Hành).