Ân Đức Cao Vời
Hòa Thượng Thích Nhật Quang

 

Lời Nói Đầu

Kính bạch Sư phụ,

Tất cả tấm chân tình của chúng con tuy đơn sơ, chẳng sánh được với đại dương mênh mông, tựa như hạt sương mai buổi sớm không thấm nổi bóng cả đại ngàn. Nhỏ nhoi vậy nhưng chúng con vẫn muốn thành kính dâng lên Thầy tác phẩm này. Ở đó là những gì Thầy đã vì chúng con huấn dụ, trông đợi từng ngày, mong chúng đệ tử mau lớn khôn, thành tựu đạo nghiệp, nối hạt giống Phật.

Huynh đệ chúng con vì quá kính ngưỡng và trân quý lời dạy của Sư phụ, nên đã quên mình chữ nghĩa vụng về, quê kém, cùng nhau biên tập lời giảng và góp nhặt bài viết của Sư phụ, làm món quà dâng lên, để Thầy trao lại cho chúng con nhân ngày Vu lan báo hiếu. Tất cả đều noi gương Thầy, nguyện cùng sách tấn tu tập trong đạo tình Linh sơn cốt nhục.

Dù sương mai có dễ tan trong nắng sớm thì một khoảnh khắc tỏa sáng long lanh vẫn để lại chút dư hương lắng đọng. Kính xin Thầy trải lòng đón nhận tấm chân tình của chúng con.

Kính ghi,

Hạ Nhâm Thìn – 2012

Trí Đức Ni

Truyền Thống Lễ Vu Lan

Tôi còn nhớ vào buổi sáng ngày Rằm tháng Bảy, một số Phật tử ở thị xã Vũng Tàu và các nơi về thăm Hòa thượng, đặt vấn đề sao Ngài không tổ chức lễ Vu lan báo hiếu. Hòa thượng vẫn ngồi yên lắng nghe, sau đó Ngài dạy.

– Lễ Vu lan báo hiếu là ngày lễ do Phật tử tổ chức, chứ không phải do Tăng Ni. Vu Lan Báo Hiếu có từ tích truyện Tôn giả Mục-kiền-liên tìm thấy mẹ đang sống trong kiếp ngạ quỷ mà không sao cứu độ được, Ngài bèn đến cầu Phật chỉ dạy. Đức Phật hoan hỷ chỉ cách thiết lễ cúng dường Trai tăng, nương công đức tu hành và sức gia trì của chư Tăng giúp thân mẫu chuyển đổi nghiệp xấu thoát kiếp ngạ quỷ. Với lòng thành kính hiếu thảo đó, Ngài đã thực hành tốt lời Phật chỉ dạy và cứu độ được mẹ. Ngày nay, Phật tử học theo hạnh hiếu của Ngài và qua sự chỉ giáo của đức Phật mà tổ chức lễ Vu Lan báo hiếu, thỉnh cầu chư Tăng dự chứng chú nguyện, hồi hướng công đức tu hành đến hương linh của người thân của quí vị.

Phật tử nghe Hòa thượng nói vậy lấy làm lạ:

– Lâu nay chúng con chưa được nghe quý thầy nào dạy như thế.

Hòa thượng dạy tiếp:

– Đây là điều Hòa thượng đã chỉ dạy từ rất lâu. Nếu hiểu được ý nghĩa như thế, chúng ta cố gắng làm sao cho ba tháng an cư được hoàn toàn thanh tịnh, nhất niệm trong tỉnh giác tu học để được tròn đầy một tuổi đạo. Từ rằm tháng Tư cho đến rằm tháng Bảy thường được gọi là Cửu tuần cấm túc, tức chín tuần lễ ở yên một chỗ lo tu hành. Đây là thời gian chư Tăng Ni kiết giới, thúc liễm thân tâm, trau dồi Giới Định Tuệ, làm sao xứng đáng để được nhận một tuổi hạ. Một tuổi đạo cũng là một tuổi công đức hay một tuổi Phật.

Chúng ta tự xét xem mình có xứng đáng nhận một tuổi Phật, một tuổi công đức không? Nếu chưa xứng đáng hoàn toàn thì được chừng bao nhiêu phần trăm? Cao lắm cũng chừng năm, sáu mươi phần trăm thôi, phải không? Nhất là chư huynh đệ ở đây còn rất mới. Việc tu học, chương trình tập sự và công phu đối với ni chúng còn nhiều bỡ ngỡ. Cho nên chín tuần lễ và hơn nữa đối với những vị đã dự khóa tu học của mùa An cư năm trước kéo dài tới bây giờ mà những pháp học, hạnh nghi hành trì chưa được vững, chưa nằm lòng, vì thế công phu chưa ổn định.

Nhìn chung thiền viện của chúng ta có phúc duyên rất lớn, trên hết là sự hộ trì của Tam bảo, kế đến nương nhờ phúc trí Hòa thượng Sư Ông, nên khi bắt đầu khởi công xây dựng thì đời sống sinh hoạt tu học cũng không gián đoạn. Tôi hy vọng sẽ còn những điều đặc biệt khác mà nhiều mùa an cư sau, huynh đệ trưởng thành sẽ cảm nhận sâu sắc hơn.

Bản thân tôi khi vào Chân Không tu học, trải qua rất nhiều mùa an cư, Hòa thượng đều dạy ngày Rằm tháng Bảy là ngày lễ Vu lan báo hiếu do Phật tử tổ chức, chư Tăng Ni chỉ là người chứng dự, đem công đức tu hành chú nguyện hộ trì cho người thân của họ thoát cõi khổ đau, tăng trưởng thiện căn hoặc cha mẹ hiện tiền cũng nương đó mà phát tâm Bồ-đề, tuổi thọ tăng trưởng. Điểm này quý vị nên ghi nhận bởi vì mai sau khi nhân duyên hội đủ, mỗi huynh đệ sẽ chủ hóa một phương trời riêng. Quý vị phải đem tinh thần tu học, đạo đức, trí tuệ này để phụng sự Tam bảo. Do vậy tôi nhắc nhở trước để quý vị có sự chuẩn bị vững vàng. Chúng ta nên giảm thiểu những ngoại duyên không cần thiết để dành thời gian nhiều hơn cho công phu tu hành.

Hồi nhỏ tôi sống cù bơ cù bất, hay bệnh lắm. Không biết nhân duyên gì mà cứ trải qua khoảng chừng chục năm, hơn chục năm lại gặp một cơn bệnh, lần nào cũng thập tử nhất sanh. Cũng có thể từ những dấy niệm sợ bệnh tật làm cho tôi trở nên yếu đuối không cương quyết, thành thử làm việc gì cũng lừ đừ. Vì thế, bạn hữu thường gọi tôi cù lần. Nhiều khi tôi cứ để mặc nó mà lây lất qua ngày cho tới bây giờ. Những năm gần đây khi đi khám bệnh, bác sĩ đều nói xương sống của tôi hư rồi khó mà phục hồi, cần phải giải phẫu. Mình cứ nghĩ một điều đơn giản rằng chết còn không sợ, sá gì chút bệnh tật nên cứ phó mặc, tới bây giờ thực sự nó đã trở thành bệnh nan y. Tôi nhận ra một điều rằng khi thân có bệnh thì tu thật khó tiến.

Trong chúng ta không ai muốn mình mau già hay bệnh tật, phải không? Ai cũng muốn mình có sức khỏe dù cho ăn dở, ăn ngon thì cũng ăn uống bình thường. Dù cho thời gian nghỉ ngơi nhiều hay ít thì cũng nghỉ được những giấc an ổn. Rồi thì đi đứng ngay ngắn, sáng suốt tỉnh táo trong tất cả các thời: lễ Phật, tụng kinh, tọa thiền, làm việc trong chúng… Đó là hạnh phúc bình thường mà không thiền sinh nào không mơ ước được như vậy. Nhưng thực sự đã bao người hưởng được hạnh phúc đó, chắc là hiếm. Thiền sư dạy: “Bình thường tâm thị đạo” tức tâm bình thường là đạo. Chúng ta chỉ mong mỏi thân bình thường, tâm bình thường, tất cả các việc xung quanh bình thường, đi đứng, nói năng, ngủ nghỉ, tu học… điều gì cũng bình thường.

Tôi rất hiểu tâm trạng của chư huynh đệ, chúng ta không muốn bệnh tật nhưng nó vẫn cứ đến. Cho nên tu hành thì phải làm chủ được mình, đừng để vướng lụy những đau đớn, phiền muộn khiến tâm không thanh thản. Nhớ lời dạy của các bậc thầy, các vị thiện hữu tri thức, những gì không cần thiết phải bỏ đi, cố gắng làm chủ nội tâm. Dù biết tất cả những sự kiện xung quanh không thiệt, nhưng cái không thiệt này có thể nhận chìm chúng ta bất cứ lúc nào. Vì thế chúng ta phải đề cao cảnh giác, bảo vệ, cảnh tỉnh mình đừng để bi lụy trong đó. Đây là một pháp học rất cần thiết trong đời sống sinh hoạt của người tu.

Trong mùa an cư năm nay, có nhiều vị được tham dự ngay từ đầu và cũng có nhiều vị tham dự nửa chừng. Nhưng nhìn chung đại chúng của Trí Đức Ni ai nấy đều được tu học trong một đạo tràng trang nghiêm thanh tịnh có khuôn khổ, nề nếp. Điều quan trọng quý vị phải luôn nhớ cảnh giác, bảo vệ tâm nguyện của mình, không để trong tay nải thiếu sót những điều này. Trong sinh hoạt hàng ngày, huynh đệ sống với nhau đã thể hiện được tấm lòng của mình chưa?

Tôi còn nhớ khi anh em chúng tôi khoảng 15-16 tuổi, trong ngày lễ vía Đức Quán Thế Âm, đêm đó đạo tràng tổ chức tụng kinh luân phiên. Một số vị chịu trách nhiệm lo phần thức ăn giải lao, như châm chút trà Huế, cho tí đường… Huynh đệ đều rất vui. Chúng tôi gặp nhau đôi khi không cần nói chi, nhưng thiếu một người cũng ảnh hưởng đến sức sống của tập thể. Đây không phải bi lụy về tình cảm mà là đạo tình. Đạo tình này được triển khai và bảo vệ nhất là khi một huynh đệ nào đó có sự ương yếu. Giả tỉ quí Thầy lớn, quí Ni sư do vì bận lo những công việc khác nên không thể quan tâm hết đại chúng. Nếu trong huynh đệ có buồn vui, cuộc sống thiếu sự đồng cảm, gặp khó khăn riêng… thì tu thật khó tiến. Nếu không được sự chia sẻ của huynh đệ, khối sầu đó mỗi ngày mỗi lớn dần thành u nhọt, buông không được, phá không xong, thành ra trở ngại trên bước đường tu. Cho nên đạo tình huynh đệ không thể thiếu trong cuộc sống chúng ta.

Như tôi đã từng nói, chúng ta sống ở đây hãy xem những vị có trách nhiệm là cha mẹ, huynh đệ là chị em ruột thịt của mình. Chúng ta phải biết cách bảo vệ, bồi dưỡng nó thực sự trở thành một thuận duyên, một điều kiện hỗ trợ trên bước đường học đạo giải thoát. Nên nhớ phúc duyên của mỗi người mỗi khác, không ai hoàn toàn tốt, cũng không ai hoàn toàn xấu. Đừng mặc cảm mình khô cằn, yếu đuối mà sanh tâm lui sụt. Ít ra huynh đệ cũng có phước được bảy, tám mươi phần trăm mới xuất gia học đạo như thế này. Nếu chúng ta biết bồi dưỡng phát huy thì có thể vận dụng nhân duyên phước báu một cách thiết thực và được nhiều lợi ích.

Ni chúng nên nhớ điều đáng trân trọng nhất là tất cả quí vị đã gặp được Phật pháp, đã cởi bỏ quá khứ dù tốt hay xấu để đến với đạo, được xuất gia thọ giới cao quí của Phật, tu hành trong điều kiện trang nghiêm thanh tịnh như thế này, thật quí hóa vô cùng. Đây là điều quí vị phải gìn giữ, nuôi dưỡng phát huy cho thật tốt. Tu hành phải có trí tuệ, phải thật quyết tâm mới xả được bản ngã của mình.

Hòa thượng Ân Sư dạy chết không sợ, quí vị nghe bình thường nhưng chắc không hiểu nổi ý của Ngài đâu. Đã chết không sợ thì sợ cái gì, quí vị có thiếu ăn thiếu mặc thiếu tình thương chi đâu. Hà huống lại ở trong điều kiện đầy đủ phúc duyên như thế này. Do đó Ni chúng nên dấn bước tiến tới. Con đường chúng ta đang đi là con đường hành Bồ-tát đạo, con đường Phật đạo. Con đường này dài vô lượng vô biên không tính kể. Nếu đi đến tột cùng, nói theo tinh thần kinh Lăng Nghiêm, chúng ta sẽ nhận được Tâm tông, theo kinh Niết-bàn nhận được Phật tánh, theo kinh Pháp Hoa nhận được Tri Kiến Phật, tức hạt châu vô giá. Nhận được, làm chủ được thì mặc tình thong dong trong ba cõi.

Mong rằng quí vị mãnh tỉnh, phải thực sự sống và phát huy trí tuệ, nhận ra hạt châu vô giá của mình thì dù cho con đường ngược xuôi sanh tử dài lâu như thế nào cũng không ngán sợ, bởi chúng ta luôn hằng sống với chân tâm vô niệm. Cần yếu phát tâm nuôi dưỡng con đường học đạo dài lâu.

Mùa an cư đã qua, quí vị sẽ nhận được một tuổi công đức. Nhưng tuổi công đức này tròn đầy hay không là từ trong thân tâm của mỗi vị. Nếu tâm thành kiên quyết, chư huynh đệ muốn thì nhất định sẽ làm được. Xin chúc nguyện toàn thể đại chúng ngày thêm an lạc. Nên nhớ tu và sống bình thường là chân hạnh phúc, đừng nghĩ mãn hạ rồi mình sẽ hiện thần thông phi thường bay qua bay lại lòe thiên hạ là tu giỏi nghe không. Chỉ bình thường thôi. Tâm đạo sáng suốt vững vàng chính là biểu hiện đầy đủ trí tuệ, ý chí đưa đến thành công.

Với tâm thành kính biết ân Hòa thượng Ân Sư trong lúc Ngài thị hiện bệnh duyên, chúng ta cố gắng tu tập, nguyện dâng tất cả công đức lên Ngài, mong sao Hòa thượng sống lâu, là nơi nương tựa, là cồn đảo bình an của Tăng Ni tứ chúng.

Công Phu Trong Mùa An Cư

Ba tháng mùa hạ, huynh đệ cùng nhau hòa hợp tu học trong một trú xứ, thật là duyên lành cho chúng ta. Huynh đệ gặp nhau, cùng trao đổi, tu tập để đi đến giác ngộ giải thoát cho chính mình và giúp mọi người cùng được như vậy. Đó là tuân thủ đúng theo quy chế tùng lâm từ nghìn xưa. Điều này thật vô cùng quí báu, cần được duy trì và phát huy ngày càng tốt đẹp hơn.

Đến với giáo lý đạo Phật, nếu chúng ta chịu tu hành thì dù bất cứ pháp môn nào cũng có thể giải thoát, cũng có thể thành Phật. Kinh tứ Thập Nhị Chương ghi lại, có một vị Tỳ-kheo hỏi Phật:

– Bạch đức Thế Tôn, làm thế nào người xuất gia như chúng con có thể biết được túc mệnh và có thể đến được chí đạo?

Phật dạy hết sức giản dị:

– Bao giờ các ông lắng lòng mình trong sạch, giữ gìn ý chí và trí tuệ sáng suốt thì các ông có thể chứng được túc mệnh. Bao giờ các ông quyết tâm dứt tất cả những tham cầu, ngược xuôi, lăng xăng, trong lòng thực sự yên ổn, lặng lẽ thì đến được chí đạo.

Chỉ lời dạy giản dị trong tình thầy trò và bằng tâm thành của mình, chúng ta áp dụng tu tập đúng như vậy sẽ được giải thoát hiện tiền, không mong cầu ở đâu xa xôi. Nói đến đạo Phật là nói đến sự chân thật. Chúng ta phải chân thật với chính mình, vì vậy trong mọi sinh hoạt phải làm sao toát ra được bản chất chân thật. Như thế từng bước chúng ta sẽ thực hiện được chỗ chí đạo.

Hòa thượng Minh Giáo Tung dạy:

– Tôn không có gì tôn hơn đạo, đẹp không có gì đẹp hơn đức. Giữ được đạo đức, tuy là người thất phu nhưng không phải là kẻ cùng khổ. Không giữ được đạo đức, tuy là người ngồi trên thiên hạ, nhưng không phải là người lương thiện. Vì vậy, người tu hành chỉ lo mình không đầy đủ đạo đức, chứ đừng lo mình sẽ không có quyền thế và địa vị.

Minh Giáo Tung là vị Thiền sư ngộ đạo trong trường hợp hết sức đặc biệt.

Hồi thời Ngài đi hành cước, tức đi học hỏi kinh nghiệm của các vị tôn túc, Ngài rất siêng năng với chí nguyện làm thế nào đạt được bản nguyện thành Phật của mình. Có thời gian Ngài ở một thiền hội đó, ban ngày làm tất cả việc trong chúng chu toàn. Sau giờ chúng nghỉ, Ngài đội tượng Bồ-tát Quan Thế Âm trên đầu đi kinh hành suốt đêm. Công phu như thế, một hôm Ngài nhận được đạo lý. Vì vậy sau này dạy chúng, Ngài bảo: “Nếu nói về sự tôn quí, thì không có gì tôn quí hơn đạo, nói về cái đẹp thì không có gì tôn quý hơn đức”. Điều này chắc rằng mỗi người chúng ta đã nhận được rồi.

“Giữ được đạo đức, tuy là người thất phu nhưng không phải là kẻ cùng khổ”, Ngài khẳng định rõ ràng như vậy. Người có đạo đức tuy ở trong hang cùng ngõ hẻm, trong núi sâu, nhưng các vị ấy là những bông hoa đẹp của cuộc đời, là những hòn đảo quí báu đáng cho mọi người nương tựa. Trái lại, người không giữ được đạo đức, tuy cai trị thiên hạ, nhưng không hẳn là vinh hiển. Do vậy, chúng ta luôn luôn được dạy dỗ phải có đạo đức.

Trong cuộc sống này nếu chúng ta đừng lo nghĩ đảo điên, mà chuyên tâm tu sửa những tập nghiệp xấu của mình, để trở thành một con người tốt là quí lắm rồi. Làm sao chúng ta là những người tu hành chân chính, thực sự có đạo đức, từng bước thực hiện trách nhiệm, công tác của mình cho vẹn toàn mới xứng đáng là người con Phật.

Chúng ta tu hành chân chính, thì dù ở đâu cũng có người đến thưa hỏi đạo lý. Mình chân thành đem những kinh nghiệm, những đạo lý học được, hướng dẫn họ tu tập. Như vậy là quí rồi. Căn bản là làm thế nào chúng ta đầy đủ đạo đức. Dù người tu hay người Phật tử tại gia đều không thể thiếu đạo đức. Vì vậy, Ngài kết lại: “Người tu học chỉ lo mình không đầy đủ đạo đức, chứ đừng lo mình sẽ không có quyền thế và địa vị”. Khi đã có đạo đức, có phần nội tại đầy đủ thì các duyên sẽ theo đến, mọi người quí trọng, vị ấy sẽ làm được việc.

Cái học của Thánh hiền, quyết định không phải học một ngày mà đầy đủ được. Ban ngày học không đủ phải học tiếp ban đêm, gom góp năm này tháng khác tự nhiên mới thành. Người học ngày nay ít khi thốt ra một lời bàn hỏi người khác, không hiểu họ lấy gì giúp ít cho tánh địa và trở thành mỗi ngày thêm mới mẻ.

Thiền sư dạy ngoài đạo đức ra, chúng ta còn phải có học thức nữa. Theo kinh nghiệm của các bậc thánh triết, học thức không phải là học một ngày một bữa, không phải học chương trình một năm hai năm rồi đi thi để có bằng này bằng nọ. Người tu không cho việc ấy là quan trọng. Học cốt để hiểu những ý hay, những kinh nghiệm của các bậc thánh hiền, trước áp dụng cho bản thân, sau nữa đem phổ vào trong đời sống mọi người chung quanh. Ý nghĩa học thức của người có đạo đức là như vậy.

Chúng ta cứ thật tình tu học, không tính kể thời gian, càng tu càng bổ ích cho việc học, càng học càng có kinh nghiệm cho việc tu. Kiến thức có được từ sự trui luyện, thể nghiệm, tu tập của bản thân mới thực sự có giá trị nuôi dưỡng đạo đức của chúng ta.

Ngài nói người thời nay ít nghe bàn hỏi đạo lý, không hiểu họ lấy gì để giúp ích cho tâm địa? Nghĩa là học mà không thấy thưa hỏi, không thấy trao đổi thì không biết làm sao đạt được sở học như thánh hiền.

Trở về với Tăng Ni chúng ta, sinh hoạt hằng ngày, dù có bận rộn bao nhiêu chăng nữa, vẫn còn thì giờ để huynh đệ trao đổi những kinh nghiệm tu hành với nhau. Làm thế nào nắm vững những điểm thiết yếu trong công phu hành trì, đây mới thật là điều quí báu, chúng ta cần cố gắng giữ gìn và phát huy.

Trong cuộc đời tu hành, chúng ta gặp nhiều trắc trở nhiêu khê lắm. Nếu không có bạn, không có thầy, không có kinh nghiệm thì mình sẽ ngã gục thôi. Cho nên khi hội đủ các thiện duyên, chúng ta phải nỗ lực học tập tu hành, chứ thầy bạn không trực tiếp ngộ hiểu cho chúng ta được.

Đức Phật không bắt buộc chúng ta phải thế này thế nọ, thầy của chúng ta cũng không bắt buộc mình như vầy như kia, mà tùy theo duyên, theo căn nghiệp của mỗi người, các Ngài có những phương tiện hóa độ khác nhau. Tuy nhiên phần thể nghiệm, thực chứng là do nơi chúng ta.

Ngày nay nhờ những tấm gương đạo đức, những kinh nghiệm của các bậc thầy để lại, từ đó chúng ta noi theo lo tu, trước là để làm chủ bản thân, sau giáo hóa chúng nhân. Nhất định chúng ta phải tu tới nơi tới chốn, đó là tâm nguyện chung của những người con Phật. Muốn tu tới nơi tới chốn thì phải có kinh nghiệm, có sự học hỏi chín chắn, có ý chí quyết tâm vững mạnh. Như vậy đường đi nước bước của chúng ta sẽ vững vàng, kết quả tu tập chắc chắn sẽ tốt đẹp.

Khuyến Tu

Cùng tất cả Tăng Ni Thiền viện Trí Đức,

Trời đất có bốn mùa xuân hạ thu đông, đời người cũng có bốn thời kỳ sanh lão bệnh tử. Với các con bây giờ là mùa Xuân hay đang Hạ, còn Thầy có lẽ đã chuyển Thu sang Đông.

Thật ra mùa nào cũng có cái đẹp của nó, con người ở tuổi nào cũng có sự thịnh đạt riêng. Chỉ cần ta nhận ra, tận dụng và thưởng thức từng khoảnh khắc đi qua trong cuộc đời. Nhận ra mình có khả năng tu hành thành Phật. Tận dụng thời gian, sức khỏe, tâm trí vào việc tu và học cho thật tốt. Thưởng thức muôn sự muôn vật đến và đi trong thiên thu vĩnh tuyệt. Được thế thì tuổi nào, mùa nào cũng mãn túc an nhiên. Tâm thông trí sáng vượt tất cả thời không. Tiêu sái, thanh thoát, vô lượng vô biên.

Muốn thế chúng ta phải dám chết mới được sống, phải thực học, thực tu, thực chứng nghiệm tâm linh. Đây là điều Thầy muốn nói với các con. Cũng đã một thời Thầy ngồi ghế nhà trường, rồi rong ruổi, rồi thành bại được mất đan xen. Cuối cùng buông bỏ tất cả, Thầy lên núi tìm về với chính mình. Chuyển một hướng sai thì đổi ngàn thế trận. Một phen mở được con mắt tuệ thì khung trời tịnh lạc hoát toang thông thống. Vùi mình trong kiến chấp tối tăm thì vĩnh kiếp trầm luân trong sinh tử. Cho dù chúng ta có tu tập tới đâu mà không nhận ra được giá trị đích thực của một đời sống tỉnh thức thì cũng chỉ là kiếp dã tràng xe cát biển Đông.

Thầy xin được cảm tạ thật nhiều dòng nhân duyên thuận nghịch đã đưa Thầy trở về với chính mình, với sự tĩnh mịch cô liêu, mà bất cứ một nhà tu nào cũng cần phải trải qua. Cung thiền định, kiếm trí tuệ là hai thứ vũ khí sắc bén phòng thân của người chiến sĩ tuyên chiến với ma quân. Đấng Đạo sư đã dùng nó và chiến thắng, Ngài trao lại cho chúng ta và nhắn nhủ đó chính là Thánh tài vô tận. Hãy trân quí giữ gìn, đừng bao giờ đánh mất.

Thầy rất mong các con hiểu và bảo hộ được chính mình. Không ai có thể thay thế nghiệp thức của chúng ta trên vạn nẻo tử sinh. Con đường giác ngộ, từ đức Phật đến chư Thánh đệ tử đều trải qua như thế. Hôm nay đến lượt Thầy trò mình, dĩ nhiên không thể khác lối, cho nên giới định tuệ chính là con đường duy nhất để đi đến Phật đạo. Là đệ tử Phật tuyệt đối không được quên điều này.

Mỗi một đợt xuất gia mới, Thầy đều dõi theo với niềm tin và mong đợi. Thầy nghĩ các con cũng hiểu điều đó. Cho nên các con khi trưởng thành, có thể gánh vác Phật sự thì dù ở đâu, các con cũng sẽ hướng về thiền viện, hướng về Thầy và các huynh đệ như hướng về tổ ấm quê nhà. Ở đó có tấm lòng, có đạo tình Linh sơn cốt nhục, có vòng tay rộng mở chân tình.

Tuy nhiên, hãy là đại bàng vỗ cánh tung bay. Càng cao càng xa thì càng thấy được trời đất bao la, tầm nhìn rộng thoáng. Hãy lên đường, đi bất cứ nơi đâu Phật pháp cần. Hãy nhớ tới tha nhân mà đừng quên đường về tự thân. Đây là lời dạy của đức Phật, chúng ta nguyện cúi đầu khắc ghi thực hành.

Bài tứ hoằng thệ nguyện các con đọc tụng hàng ngày đã trở thành quen thuộc, đôi khi quên béng nó là đại hạnh đại nguyện sống chết cả đời, nhiều đời của mình. Vô hình chung ta biến nó thành những lời nguyện rỗng và như thế cuộc sống nội tại trở thành tẻ nhạt hoang vu.

Thầy mong các con hãy cẩn trọng, đừng để mình lạc bước tha hương, vất vưởng làm kẻ phiêu linh không chốn nương về, trong khi nơi quê nhà cha già đang mỏi cổ ngóng trông. Việc tu hành không thể hẹn. Các con đừng chờ đến đêm ba mươi tăm tối, sẽ không kịp đâu. Hãy hiểu rõ điều này.

Hòa thượng Ân sư trông đợi thế hệ Tăng Ni kế thừa từng ngày. Thọ mạng Thiền phái Trúc Lâm có được dài lâu hay không, đều tùy thuộc vào mỗi phút giây trưởng thành của các con. Những gì có thể làm quí Thầy đã làm, những gì có thể nói quí Thầy cũng đã nói, phần còn lại đều tùy thuộc vào thế hệ hôm nay và mai sau.

Hướng về Hòa Thượng Ân sư người đã vì Tăng Ni tứ chúng mà một đời hoằng pháp lợi sanh không biết mỏi mệt. Hướng về dòng thiền nước Việt hơn 700 năm về trước, mà Ngài đã đem hết tâm huyết nỗ lực tu hành để khôi phục lại Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam, chúng ta cúi đầu đảnh lễ. Nguyện khắc cốt ghi tâm công đức và tấm lòng của Ân sư, bậc Thầy cao quí đã cho thầy trò chúng ta có được ngày hôm nay. Hướng về đàn hậu học tương lai, chúng ta nguyện noi dấu người xưa, vì đạo quên thân, chẳng ngại gian lao, không nề khó nhọc, dấn thân vào đời, đem Phật pháp đến muôn nơi, cứu khổ ban vui.

Mạng mạch Phật pháp nằm trong tay Tăng Ni, hãy dõng mãnh tiến lên. Tiến lên bằng con đường tự lợi lợi tha, bằng công phu hành trì tự thân, ngôn hạnh tương ưng. Đó không chỉ là kêu gọi thiết tha của Thầy mà là di huấn muôn đời của Tổ tông.

Viết Cho Tăng Ni Sinh

Cùng tất cả Tăng Ni sinh,

Hôm nay cầm bút viết cho chư huynh đệ, Thầy lại nhớ đến lớp Cao đẳng Chuyên khoa Phật học Huệ Nghiêm của 50 năm về trước. Thuở ấy Thầy là một Tăng sinh nghèo, quê mùa, rất non trẻ nhưng cũng rất nhiệt thành với tâm nguyện cầu học Phật pháp.

Thầy trò chúng ta sinh ra không đồng thời nhưng lại đồng chí nguyện, đồng cầu giác ngộ giải thoát. Có thể nói anh em bây giờ nhiều phước hơn Thầy, được sống trong thời đất nước thanh bình. Thầy kém hơn chư huynh đệ ở điểm này. Là một tăng sĩ sống trong thời quê hương tao loạn, muốn gìn giữ đạo tâm kiên cố quả thật khó khăn. Vì thành tựu đạo nghiệp, một tăng sinh phải phấn đấu hết sức cam go với chính mình và mọi hoàn cảnh chung quanh.

Nhớ lại có những đêm khuya dưới mái Học viện Huệ Nghiêm, Thầy chong đèn ngồi đọc say sưa những trang kinh sử Phật Tổ. Gương hạnh, lời dạy và công đức tu hành của các Ngài chính là ánh đuốc soi đường, là nguồn động lực tiếp sức cho Thầy trong giai đoạn tu học khó khăn nhất thời bấy giờ.

Kể lại những kỷ niệm này, Thầy mong có thể chia sẻ với huynh đệ những trải nghiệm trên bước đường tu học và hơn hết là để nhắn nhủ với chính lòng mình, rằng đừng bao giờ quên đi tâm niệm ban đầu. Hãy giữ lấy tấc lòng son đã được ấn vào mảnh đất tâm của một tăng lữ trên bước đường tầm đạo. Tấc lòng của người con Phật.

Chẳng phải chúng ta vì cầu đạo mà chọn đời sống phạm hạnh đó sao? Chẳng phải chúng ta vì lợi ích tha nhân mà nguyện phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật đó sao? Tất cả những tâm nguyện cao đẹp này, không phải chỉ để ở trong lòng mà hãy biến thành diệu lực của chính mình. Diệu lực ấy phát xuất từ nguồn tâm trong sáng nơi mỗi người.

Hãy thắp lên niềm tin cho mình cho đời bằng ánh sáng trí tuệ, hãy xoa dịu bao nỗi đau thương của cuộc đời bằng lòng bi mẫn vô lượng vô biên. Muốn được như thế, những năm tháng chúng ta cùng tu học bên nhau không gì quí giá bằng. Ở đây, chư huynh đệ được lắng nghe, được chia sẻ, được tu tập và được cả một khung trời tịnh thanh, với điều kiện chúng ta đừng phóng đãng buông lung, đừng đánh mất định hướng ban đầu của mình.

Hãy nhớ người con Phật là sứ giả của Như Lai, dấn thân vào đời bằng tất cả tình thương và ánh sáng tuệ giác nơi chính mình. Chúng ta không được quyền dừng lại, chỉ có thể bước tới mà thôi. Bởi vì ta đã tuyên thệ:

Xuất gia hoằng Thánh đạo,

Thệ độ nhất thiết nhân.

Nỗ lực tu tập là nhiệm vụ hàng đầu của Tăng Ni trong giai đoạn này. Đừng vì bất cứ lý do gì mà đánh mất nhân duyên quý báu có được ngày hôm nay. Một khi mất rồi, khó tìm lại được. “Hữu phước bất khả hưởng tận” luôn là lời cảnh báo quan trọng của người xưa. Chư huynh đệ không thể xem thường. Lo học cho thật tốt đi, đừng hoang phí một đời tu, đừng để ngày tháng trôi qua không kéo lại được. Tiền đồ ngày mai có xán lạn hay không, tất cả đều tùy thuộc vào thái độ và tinh thần học tập của chư huynh đệ ngày hôm nay.

Thầy có nghe nói, bên cạnh một số huynh đệ chăm chỉ học tập, vẫn còn một ít vị chưa ý thức được tầm vóc quan trọng của việc trau dồi kiến thức Phật học và công phu tu hành. Đã thế thì hai chữ “nghiệp dĩ” nhất định chư huynh đệ phải gánh vác cưu mang, không ai có thể thay thế được. Vô thường không hẹn, Diêm Vương không tha, Phật Tổ cũng không cứu nổi. Chừng đó Thầy biết phải làm sao! Hãy tỉnh thức. Quay đầu là bờ.

Thầy xin nhắc lại một lần nữa, bây giờ chúng ta chỉ có tu học thôi. Mặc cho thế sự đảo điên, mặc cho muôn duyên biến đổi, chúng ta kiên quyết nuôi dưỡng chí tu học vững bền. Được như vậy lo gì đạo nghiệp chẳng thành.

Huynh đệ hôm nay không sống trong nền văn minh chất ngất tham vọng, trong sự cuồng nộ bất thường của thiên nhiên và sự suy thoái trầm trọng của đời sống đạo đức tâm linh, mất đi nền tảng nhân bản của con người.

Quả thật như đức Phật đã từng nói, chúng ta khác nào những đứa trẻ đang rong chơi vui đùa trong nhà lửa tam giới, không hề hay biết ngôi nhà sắp sập, lửa dữ cháy sém một bên. Nói lên điều này là Thầy muốn nhấn mạnh với chư huynh đệ, chúng ta không thể chần chừ được nữa. Bao nhiêu tinh lực hãy dồn hết vào công phu tu học, thực hiện cho kỳ được tâm nguyện “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh”.

Cuối cùng xin gởi đến Tăng Ni mấy vần thơ thuở Thầy còn là Tăng sĩ trẻ:

Trời đêm trong vắng mộng đôi câu,

Lãng khách mê tân nếu hồi đầu.

Lo gì trăng sáng đâu từng thiếu,

Non nước ngàn xưa một tâm thâu.